Chính phủ vừa đề nghị Quốc hội cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng để bố trí cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Bộ Giao thông Vận tải.
Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, cuối cùng, việc thực hiện cam kết của Chính phủ với nhà đầu tư về hỗ trợ vốn đã có triển vọng.
Nếu không được bố trí trả nguồn vốn hơn 4.000 tỷ đồng này, Theo Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) sẽ rơi vào tình trạng khốn khó. Hình ảnh môi trường đầu tư sẽ méo mó khi các nhà đầu tư khác sẽ lấy đó để “trông người mà ngẫm đến ta”.
Chủ đầu tư có nguy cơ phá sản
Đây là khoản nợ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết của Chính phủ (Tại Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2014, Thủ tướng Chính phủ). Ngày 3/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 334/TB-VPCP chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: “Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn 2016 -2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho Vidifi bao gồm chi phí GPMB, tái định cư (khoảng 4.069 tỷ đồng) và trả nợ gốc khi đến hạn của 2 khoản vay nước ngoài”. Tuy nhiên, đã gần 1 năm qua Vidifi vẫn chưa nhận được 1 đồng nào từ chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Vidifi, nếu khoản nợ 4.000 tỷ đồng không được trả kịp thời sẽ dẫn đến hệ lụy tiền lãi phát sinh do các khoản hỗ trợ chưa được cấp đã lên đến trên 800 tỷ đồng/năm. Vì Vidifi vẫn phải vay với lãi suất 10%/năm cho các khoản chưa được cấp nên nếu tiếp tục chậm sẽ dẫn đến phá vỡ phương án tài chính của dự án, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Ông Trần Anh Tú, Phó tổng giám đốc Vidifi cho biết, dự án cũng chỉ có thể đảm bảo hoàn trả đủ nợ gốc và lãi vay, thu hồi được vốn đầu tư nếu 3 khoản hỗ trợ của Nhà nước được trả theo đúng cam kết.
Mặt khác, Vidifi cũng không trả được các khoản nợ vay nước ngoài đến hạn được Chính phủ bảo lãnh, ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ đối với các nhà tài trợ vốn nước ngoài, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam. Dự án đã được 6 định chế tài chính và ngân hàng quốc tế cho vay gồm: Keximbank, Kfw, Citi bank Japan, Sumitomo Mitsui bank, MUFG bank và Sumitomo Trust & Banking. Khi vay vốn nước ngoài, phương án tài chính được duyệt của dự án đã được gửi cho các tổ chức tài chính quốc tế trên, trong đó đã thể hiện thời gian hoàn vốn, lộ trình thực hiện các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án. Vì vậy các tổ chức này rất quan tâm đến tính khả thi của phương án tài chính và khả năng hoàn trả vốn vay đến hạn, trong đó, đặc biệt quan tâm đến tình hình thực hiện các khoản hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án.
Bên cạnh đó, việc chậm giải quyết nguồn vốn này cho chủ đầu tư sẽ ảnh hưởng đối với môi trường đầu tư khi Chính phủ đang kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực hạ tầng. Được biết, hiện nay có nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài đang có ý định tham gia đầu tư hạ tầng giao thông lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nhìn vào thảm cảnh của Vidifi nên đã rất dè dặt trước khi quyết định đầu tư. Mới đây, một số nhà đầu tư từ Úc, Châu Âu đã tìm hiểu và đặt vấn đề chuyển nhượng 1 phần dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Nhưng sau khi khảo sát, các nhà đầu tư này chưa quyết định đi đến đàm phán. Bởi họ vẫn dõi theo các cam kết hỗ trợ của nhà nước đối với dự án.
Thực tế khó khăn của dự án đã được ghi nhận trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho dự án này. Phó thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị đã có kết luận, giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ bố trí ngân sách cấp đủ kinh phí cam kết trả cho nhà đầu tư tại dự án này. Do đó, việc sớm giải quyết các khoản hỗ trợ dự án là cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
09:50, 27/05/2019
09:13, 10/03/2019
16:04, 16/02/2019
00:05, 16/02/2019
04:50, 10/11/2018
00:08, 19/10/2017
17:00, 08/05/2017
12:04, 25/05/2016
Không thể “vặt mũi đắp miệng”
Để giải quyết cấp bách, Chính phủ cho Vidifi thu phí từ 2 trạm quốc lộ (QL) 5 cũ để hoàn vốn. Tuy nhiên, theo 1 lãnh đạo Vidifi, nguồn thu từ 2 trạm này vẫn không đủ chi phí cho việc bảo trì tuyến đường này hàng năm. Bởi đơn vị này phải bảo trì, sửa chữa tuyến đường này mất hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi đó mỗi ngày chỉ thu được 2 tỷ đồng từ tuyến QL 5 cũ.
Mặc dù nguồn phí để bảo hành, bảo trì sửa chữa tuyến QL 5 cũ phải được lấy từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ. Thế nhưng, việc làm ấy Vidifi phải thực hiện bằng nguồn thu phí của 2 trạm thu phí này. Điều này khiến nguồn vốn hơn 4.000 tỷ của Vidifi vốn không được hoàn mà lại bị “cấu” thêm do thu không đủ chi.
Chưa kể, việc thu phí QL 5 cũ gây nên bức xúc trong dư luận, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường bộ. Bởi mấy năm gần đây, doanh nghiệp vận tải làm ăn rất khó khăn nhưng họ lại phải chịu cảnh phí chồng phí. Hàng năm, doanh nghiệp phải đóng phí bảo trì đường bộ cho từng phương tiện được thu qua các đơn vị đăng kiểm. Thế nhưng mỗi lần qua trạm lại phải nộp phí, trong khi tuyến đường đó được đầu tư bằng vốn ngân sách.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, GĐ Công ty cổ phần Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, mỗi năm đơn vị này chi phí hàng chục tỷ đồng đóng phí BOT và vài tỷ đồng đóng Phí bảo trì đường bộ. Toàn bộ số xe khách chạy tuyến Hải Phòng – Hà Nội của doanh nghiệp này đều chạy cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nên 100% đóng phí BOT. Dù không di chuyển trên QL 5 nhưng mỗi năm, doanh nghiệp này cũng mất cả tỷ đồng “oan ức” cho việc đóng phí bảo trì đường bộ này.
Như vậy, việc chậm hoàn vốn hay nói cách khác là trả nợ cho chủ đầu tư kéo theo nhiều hệ lụy. Thực tế, không chỉ 1 mình Vidifi là “nhân vật chính” chịu trận mà ngay cả các doanh nghiệp vận tải cũng bị ảnh hưởng kéo theo.
Đặc biệt, hệ lụy lớn nhất vẫn chính là hình ảnh về môi trường đầu tư mà Chính phủ đang xây dựng. Các doanh nghiệp không chỉ trong nước đều dồn mắt hướng theo những cam kết của Chính phủ - đó chính là thông điệp để các doanh nghiệp sẵn sàng “tìm nơi có nhân gửi của”.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đây là vấn đề đặt ra giữa Nhà nước với doanh nghiệp, mặc dù là DNNN nhưng cũng cho thấy chưa có sự rạch ròi về trách nhiệm, nghĩa vụ đã cam kết. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư, khi nhà nước cam kết trả nợ cho doanh nghiệp nhưng lại bị kéo dài khiến doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Chậm chễ thực hiện cam kết là tiền lệ xấu cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, do đó tôi đề nghị Chính phủ cần có biện pháp khắc phục, vì Vidifi là doanh nghiệp được chỉ định làm đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Hiện nay số nợ của Chính phủ cho dự án trên đã gần 10.000 tỷ đồng, nhưng Quốc hội mới bố trí được hơn 4.000 tỷ đồng để trả nợ. Cam kết trong lĩnh vực kinh tế thì càng phải sòng phẳng, cho dù đó là Chính phủ với DNNN cũng sẽ ảnh hưởng đến niềm tin, trách nhiệm. Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Hiện nay kể cả công trình cũ hay công trình mới dưới dạng BOT, ngân sách Nhà nước đều hỗ trợ. Ví dụ: Dự án đường cao tốc Bắc - Nam với tổng số 163.000 tỷ đồng thì ngân sách Nhà nước hỗ trợ tới 55.000 tỷ đồng (chiếm (30%). Đối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với tổng số vốn khoảng 42.000 tỷ đồng, Chính phủ cũng đã cam kết hỗ trợ toàn bộ tiền đền bù giải phóng mặt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Việc này được báo cáo nhiều lần tại các kỳ họp của Chính phủ, thậm chí đã bàn thảo trước Quốc hội. Nếu Chính phủ đã cam kết thì chúng ta nên tổ chức thực hiện đúng, bởi bản thân hoạt động tài chính của dự án này đang có những điểm cần tháo gỡ. Đây cũng là nguồn vốn mà chúng ta đã cam kết với nhà đầu tư thì rõ ràng trách nhiệm Nhà nước là cần phải làm và làm càng sớm càng tốt. |
Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được Chính phủ có chủ trương xây dựng từ năm 2002. Tuy nhiên, do không tìm được nguồn vốn bố trí, mãi năm 2007 Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) huy động vốn để cho vay và triển khai Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Chính phủ đồng ý cho VDB góp vốn để thành lập Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (Vidifi) và giao làm chủ đầu tư dự án. Dự án này có số hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng lên đến 43.000 hộ và số tiền phục vụ GPMB này lên đến 4.069 tỷ đồng. Theo quy định, nhà nước phải đứng ra GPMB và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án. Thế nhưng do chưa có vốn nên số tiền này Vidifi sẽ ứng trước, sau đó nhà nước sẽ hoàn vốn. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoàn thành và đi vào khai thác, các cơ chế hỗ trợ do dự án chưa được thực hiện, bao gồm việc chuyển các khoản vay nước ngoài sang hình thức vốn góp của nhà nước, hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng và tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án gặp nhiều khó khăn trong phương án hoàn vốn. |