Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I, Di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể Di tích cố đô Huế.
Tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khẩn trương triển khai thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng tại khu vực I, Di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể Di tích cố đô Huế để phát triển du lịch. Đồng thời, Thừa Thiên Huế phải nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để trong năm 2019 phấn đấu đạt 2,5 triệu khách du lịch quốc tế, mức tăng trưởng du lịch cao hơn bình quân cả nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thừa Thiên Huế nghiên cứu, có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả nhằm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp gắn với xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch sinh thái.
Thực tế, từ khi Di tích Cố đô Huế được công nhận di sản văn hóa thế giới năm 1993, sự gia tăng dân số tự nhiên tạo áp lực lớn lên vùng bảo vệ di tích và hiện nay trong khu vực I của các di tích Kinh thành Huế hiện đang có khoảng 4.200 hộ dân sinh sống. Hầu hết các hộ dân sinh sống trong khu vực I di tích không có giấy tờ hợp lệ về sử dụng đất, xây dựng nhà trên công trình di tích và làm nhà chồ trên mặt nước nên không được bồi thường về đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Hiện tại, do không được xây dựng mới, sửa chữa lớn nên phần lớn các hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ, các điều kiện về vệ sinh không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe nhân dân và mỹ quan đô thị. Ngoài ra, rất đông dân cư sinh sống trên các di tích đã thải nhiều chất thải sinh hoạt làm cho di tích nhanh chóng xuống cấp.
Chính vì vậy, ngày 7/12/2018, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế.
Đề án nêu cụ thể lộ trình di dời giải tỏa gồm 2 giai đoạn (giai đoạn 2019-2021 và giai đoạn 2022-2025); kế hoạch, phương án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị di tích sau di dời cùng các giải pháp tổ chức thực hiện. Kèm theo đó là khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án di dời…
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế - Lê Trường Lưu nhấn mạnh, đây là dự án lớn và có tác động đến 4.200 hộ dân.