Nhiều cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội được ngân hàng triển khai trong 2024.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024 cũng như nhiều năm qua, tất cả các cơ chế chính sách của NHTW về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng đều nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính sách tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ cho ngành lĩnh vực ưu tiên phát triển, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.
Theo ông Lệnh, thực tế hoạt động ngân hàng cho thấy, các cơ chế chính sách nói chung và chính sách tín dụng nói riêng của NHTW hiện nay mang đậm tính nhân văn gắn với các chương trình tín dụng chính sách; chương trình tín dụng nhà ở xã hội và gói tín dụng cho vay tiêu dùng… để hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động, người thu nhập thấp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong khi đó, các gói tín dụng ưu đãi và cơ chế cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ… đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phát triển là những chính sách hỗ trợ trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực.
Ý nghĩa nhân văn đó, phản ánh và gắn liền với những kết quả đạt được trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM nhấn mạnh và nêu các ví dụ theo các chương trình cụ thể:
Thứ nhất, hỗ trợ người dân thuộc đối tượng chính sách xóa đói giảm nghèo và các chương trình tín dụng chính sách khác như: cho vay giải quyết việc làm; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường… thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố. Với tổng dư nợ cho vay đạt 11.803 tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm 2023, cho 200.709 khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế và việc làm (gồm: cho vay giải quyết việc làm; cho vay hỗ trợ giảm nghèo; cho vay quỹ 34…) đạt: 10.331 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 87,5% trong tổng dư nợ tín dụng của NHCSXH thành phố.
Thông qua chương trình tín dụng này, tạo điều kiện cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tạo thu nhập để cải thiện đời sống, từ đó có cuộc sống ổn định hơn, thoát nghèo và phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa trong giảm nghèo bền vững.
Thứ hai, thực hiện chương trình tín dụng nhà ở xã hội. Trong đó, cho vay tạo lập nhà ở cho các đối tượng chính sách (thông qua NHCSXH) với tổng dư nợ đạt 97,8 tỷ đồng, cho 274 khách hàng, tạo điều kiện cho 274 hộ gia đình là các đối tượng chính sách có nhà ở, bảo đảm an sinh xã hội; Cho vay chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (thông qua giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng của các NHTM) đạt 170,14 tỷ đồng, để xây nhà ở cho công nhân thuê. Thông qua thực hiện gói tín dụng này, tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ và của thành phố. Đồng thời tạo lập nhà ở cho người lao động, người có thu nhập thấp trên địa bàn.
Thứ ba, sử dụng chính sách và kết hợp phát triển tài chính vi mô và hoạt động của NHCSXH để mở rộng và tăng trưởng hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân vay tiêu dùng phục vụ sinh hoạt và đời sống mang lại hiệu quả và ý nghĩa trên nhiều phương diện tiêu dùng. Trong đó tạo điều kiện về vốn để người dân kinh doanh, tạo việc làm, tạo thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ở góc độ vĩ mô, hoạt động này hiệu quả là giải pháp căn bản góp phần phòng chống tín dụng đen, đồng thời việc mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển, là giải pháp tăng trưởng kinh tế đã và đang được Chính phủ, NHTW thực hiện.
Theo đó, kết thúc năm 2024, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt khoảng 1.070 nghìn tỷ đồng (gồm cả cho vay mua nhà để ở), chiếm 28,3% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Thứ tư, sử dụng chính sách làm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó với các giải pháp về giảm lãi suất; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và sử dụng các gói tín dụng ưu đãi cho nhóm ngành, lĩnh vực cần phát triển, được vận dụng hiệu quả trong từng thời kỳ hoặc trong điều kiện phát sinh khó khăn đột xuất (do thiên tai dịch bệnh, do khủng hoảng kinh tế….) đã kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã trên địa bàn vượt qua, duy trì, ổn định và tăng trưởng.
Kết quả trong năm 2024 đã giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đạt: 691.000 tỷ đồng, cho 198.166 lượt khách hàng, tăng 9% so với năm 2023; giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản đạt: 3.291 tỷ đồng, cho 2.079 khách hàng; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 43.842 doanh nghiệp, với tổng dư nợ đạt: 33.420 tỷ đồng…
Thực hiện tốt chương trình tín dụng cho vay 5 nhóm ngành: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 4%/năm.
"Tất cả những cơ chế chính sách này, cùng với việc sử dụng các gói tín dụng ưu đãi và đáp ứng tốt nhất dịch vụ ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, ý nghĩa nhân văn của chính sách mang lại càng to lớn hơn và là bài học kinh nghiệm quý báu trong ban hành và sử dụng chính sách làm nguồn lực hiệu quả cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và Thành phố nói riêng, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay.