Vinachem nhận về gần 200 tỷ đồng sau phiên đấu giá 4,2 triệu cổ phần SRC của CTCP Cao su Sao Vàng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo nhà đầu tư đã mua toàn bộ cổ phần đấu giá của Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng (HoSE: SRC) do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) nắm giữ trong phiên đấu giá ngày 4/6.
Lô cổ phiếu tương đương 15% vốn SRC thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) được chào bán với giá khởi điểm 46.452 đồng/CP, tương đương giá trị thoái vốn ít nhất 195 tỷ đồng.
Kết quả, 4 nhà đầu tư gồm 1 tổ chức và 3 cá nhân đã mua trọn 4,2 triệu cổ phiếu SRC với giá đúng bằng mức khởi điểm. Vinachem qua đó thu về gần 200 tỷ đồng trong thương vụ này.
Đáng chú ý, so với thị giá khoảng 25.000 đồng/CP, 4 nhà đầu tư nói trên đã bỏ tới gần gấp đôi giá thị trường để sở hữu 15% cổ phần SRC.
Hiện chưa có nhiều thông tin về danh tính cũng như số lượng cổ phần SRC mua thành công của 4 nhà đầu tư trên.
Ngay trước thềm phiên đấu giá, một nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Hoàng Cường, người đã đặt cọc 19,6 tỷ đồng đăng ký tham gia mua cả lô cổ phần SRC do Vinachem chào bán - đã bất ngờ gửi đơn hủy đăng ký tham gia đấu giá. Ông Cường cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, nhận thấy cổ phiếu SRC không hấp dẫn và không phủ hợp với mục tiêu đầu tư, nên ông đã hủy tham gia đấu giá, nhận lại tiền cọc.
Bên cạnh đó, trước phiên đấu giá, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của SRC ngày 27/4, có một nhóm cổ đông nắm giữ tới 19,02% vốn đã thành công trong việc đề cử người của mình nắm giữ 2/5 ghế Hội đồng Quản trị (HĐQT) và 1/3 ghế Ban Kiểm soát (BKS) tại doanh nghiệp này.
Thêm nữa qua việc các nhà đầu tư đặt giá rất sát nhau và sát giá khởi điểm, với tổng khối lượng đăng ký mua bằng đúng với khối lượng cổ phần SRC mà Vinachem đem ra đấu giá, không loại trừ khả năng 4 nhà đầu tư nhau này lại thuộc cùng một nhóm.
Theo dữ liệu của VietTimes, nhóm cổ đông này nhiều khả năng liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Thịnh Phát (Hưng Thịnh Phát) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn) – những nhà đầu tư đang cùng SRC thực hiện Dự án bất động sản cao cấp trên khu đất 6,2ha tại 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Như vậy, sau phiên đấu giá, tỷ lệ sở hữu của Vinachem tại SRC giảm từ 51% về 36%. Đề án tái cơ cấu Vinachem thể hiện phần vốn 36% còn lại cũng sẽ được thoái trong thời gian tới.
Đây là cơ hội để các nhà đầu tư ngoài nhà nước sở hữu SRC. Cao su Sao Vàng là một trong những thương hiệu tầm quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp cao su với vị thế thuộc nhóm đầu ngành. Tiềm năng của doanh nghiệp này theo đó được đánh giá rất lớn, bên cạnh lợi thế không nhỏ từ quỹ đất đang quản lý.
Được biết, đợt thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng là theo đề án tái cấu trúc Vinachem giai đoạn 2017 - 2020, SRC thuộc nhóm Vinachem sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Vinachem đã công bố với các cổ đông SRC lộ trình thoái vốn chia thành 2 giai đoạn, sau khi thoái 15% sẽ thoái tiếp 36%.
Kể từ khi Vinachem công bố sẽ thoái hết vốn tại SRC, giá cổ phiếu này bật tăng mạnh mẽ do những kỳ vọng của nhà đầu tư về sóng cổ phiếu thoái vốn như đã từng diễn ra với nhiều cổ phiếu nhà nước thoái vốn trước đó, thanh khoản cũng diễn biến tích cực.
Theo đó, từ ngày 9/5 đến 22/5, cổ phiếu này tăng giá từ 21.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh chỉ vài nghìn cổ phiếu/phiên, lên 31.100 đồng/CP.
Tiềm năng của SRC được đánh giá rất lớn, bởi với ngành lõi là sản xuất các sản phẩm săm lốp, Cao su Sao Vàng là thương hiệu nổi tiếng quốc gia, thuộc nhóm doanh nghiệp có vị thế đầu ngành. Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của doanh nghiệp còn đến từ quỹ đất lớn đang quản lý, trong đó có diện tích “đất vàng” 6,2 ha ở trung tâm Hà Nội.
Năm 2018, SRC đạt doanh thu 925 tỷ đồng, lãi sau thuế 12,2 tỷ đồng. Theo Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2019, SRC trong năm nay đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 37,67% lên 16,8 tỷ đồng, dù doanh thu giảm nhẹ về 915 tỷ đồng.