Qua bao thăng trầm lịch sử, Thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, nhưng đã có bao người mãi ra đi không thể quay về.
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Vị thế Việt Nam
Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Giải phóng Quảng Trị và Chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 – Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển” do Viện lịch sử Quân sự (Bộ Quốc phòng) chủ trì diễn ra vào sáng 29/4 tại TP Đông Hà đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Không quan tâm sao được khi đằng sau mảnh đất đầy nắng gió ấy ẩn chứa con người nghĩa tình, là nơi lưu dấu bước chân của những người con Việt Nam mang trong mình khát vọng về một dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự cường, tự tôn dân tộc.
Lịch sử ghi nhận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Thành cổ Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc một mốc son sáng ngời Chủ nghĩa anh hùng cách mạng bằng cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường bảo vệ Thành cổ và thị xã Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm lịch sử của mùa hè năm 1972.
Nguyên nhân diễn ra trận chiến này là sau khi quân giải phóng của ta đã chiếm được Thành cổ Quảng Trị, Mỹ không chấp nhận được việc mất thành nên chúng muốn phát động cuộc chiến vừa để giành lại thành vừa để gây sức ép với nước ta trên Hội nghị Paris.
Vì thế, Quảng Trị tháng 4 năm 1972 đúng là mùa hè đỏ lửa theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nơi đây được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm ấy, nơi đây phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn. Tổng số bom đạn mà Mỹ sử dụng khi đó tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Cái giá của hòa bình
>>47 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC: Nội lực niềm tin
Thạch Hãn - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, cùng với Thành cổ là sự song hành bi tráng thấm đượm máu và hoa. Trong cuộc chiến 81 ngày đêm, dòng sông là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt đường tiếp tế đó, địch liên tục ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ đã nằm lại trên dòng sông.
Trong những ngày tháng “mưa bom bão đạn” đó, khi sự sống và cái chết đang gần kề gang tấc, vẫn còn đó nụ cười thách thức bom đạn của những chiến sĩ giải phóng quân lẫn người dân dưới chân Thành cổ…. Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng các anh vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống người khác lại đến thay.
Cho đến nay, chưa có số liệu thống kê đầy đủ và chính xác là có bao nhiêu chiến sí đã hy sinh tại Thành cổ Quảng trị, nhưng có một điều ai cũng biết rằng các anh, các chị ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, mái tóc còn xanh và khi nằm xuống mang trong người những hoài bão, những ước mơ và khát vọng, khát vọng sống trong hòa bình, độc lập và tự do.
Họ là những chàng trai, cô gái đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, trong số đó có những chàng sinh viên xếp bút nghiên, các anh cầm súng tiến thẳng vào mặt trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và có những người đã anh dũng chiến đấu, nằm lại với mảnh đất này không một nấm mồ, không một tấm bia, không một dòng địa chỉ, vĩnh viễn yên nghỉ tại mảnh đất Thành cổ mà không còn được về với quê hương, xóm làng, gia đình, người thân, bạn bè mình nữa.
Để cho đến tận bây giờ còn rất nhiều bà mẹ, tóc đã bạc, mắt đã mờ mà ngày đêm vẫn ngóng tin con, nghe một tiếng động khẽ thôi vẫn ngỡ các anh về với mẹ nhưng các anh không về với mẹ cha nữa, bởi các anh đã hóa vào lòng đất.
Những gian khổ, hy sinh cuối cùng cũng được đánh đổi xứng đáng bằng niềm vui chiến thắng. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn Hội nghị Paris, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của toàn dân tộc mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể nói, qua bao thăng trầm lịch sử, Thành cổ Quảng Trị vẫn ở đó, nhưng người đã mãi ra đi không thể quay về. Là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Nơi những người anh hùng đã nằm xuống vì sự tàn bạo của chiến tranh.
Chính vì vậy, thế hệ hôm nay càng phải thấu hiểu nổi đau của sự mất mát, sự khốc liệt của chiến tranh đã để lại. Đồng thời cũng ý thức được ý chí chiến đấu của dân tộc ta, sẵn sàng đánh đổi xương máu để giành lấy hòa bình.
Cuối cùng, xin gửi lại lời nhắn nhủ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân đến từ Hà Nội trong một dịp về thăm lại chiến trường xưa:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Một tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay - để ngày mai”.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 30/04/2022
05:20, 30/04/2022
05:10, 30/04/2022
05:10, 30/04/2022
05:00, 30/04/2022
04:30, 30/04/2022
04:00, 30/04/2022