Câu hỏi tình huống là một phần quan trọng trong buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng thường sử dụng.
Và đây cũng là điều khiến các ứng viên gặp khó khăn khi không biết phải thể hiện như thế nào để mang lại hiệu quả. Tuy nhiên điều này sẽ dễ dàng hơn bạn nghĩ nếu nắm bắt được điểm chung trong tất cả các câu hỏi sau đây.
Xác định rõ vấn đề
Điều đầu tiên bạn cần làm khi gặp câu hỏi tình huống đó là phải hiểu rõ vấn đề mấu chốt được đặt ra. Trong quá trình phỏng vấn ứng viên tìm việc làm mới ở Hà Nội hay TPHCM, nhà tuyển dụng muốn lắng nghe cách bạn tiếp cận và xử lý những tình huống điển hình hoặc một số vấn đề logic. Vì vậy câu trả lời của bạn cần đi đúng trọng tâm, tránh lan man, hời hợt.
Bí quyết ở đây là xác định từ khóa trong câu hỏi: nhà tuyển dụng đang yêu cầu bạn giải thích (tại sao?) hay phân tích (như thế thế nào?),… Đâu là cụm từ được lặp lại nhiều lần, được nhấn mạnh hoặc diễn giải chi tiết. Cách nhận định này sẽ giúp bạn nhanh chóng nắm được vấn đề và đưa ra câu trả lời chính xác.
Nhấn mạnh vào kỹ năng
Bất kỳ câu hỏi tình huống nào được đưa ra cũng đều nhằm đánh giá một vài năng lực cụ thể của ứng viên. Thay vì để bạn liệt kê hoặc chỉ ra một cách thụ động, nhà tuyển dụng ưu tiên việc đánh giá thông qua cách giải quyết mà bạn lựa chọn trong câu trả lời.
Chính vì lí do này mà bạn nên nhấn mạnh vào kỹ năng mình đã tích lũy được, từ đó áp dụng vào tình huống đó sao cho phù hợp. Bạn có thể trả lời như sau: “Đây là một vấn đề mà tôi tin rằng với những kỹ năng… của mình, tôi hoàn toàn có thể kiểm soát và xử lý một cách hiệu quả.”
Kết quả mong đợi
Kết quả là yếu tố không thể thiếu khi thảo luận về các câu hỏi tình huống. Bạn cần tránh nêu ra hàng tá kỹ năng, cách giải quyết nhưng không có một kết quả nào được đưa ra. Việc có thể dự đoán kết quả không chỉ chứng minh bạn hiểu rõ kỹ năng và tình huống mà còn áp dụng chúng một cách hiệu quả.
Những con số, thông tin cụ thể trong câu trả lời của bạn sẽ tạo ấn tượng và mang đến cảm giác tin cậy cho nhà tuyển dụng. Tuy nhiên cần hạn chế đưa ra kết quả quá viễn vong, không phù hợp với bối cảnh thực tế.
Không ngần ngại chỉ ra khó khăn
Không ít nhân viên ngần ngại chỉ ra những khó khăn có thể gặp phải trong tình huống vì cho rằng điều này sẽ khiến mình bị mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Suy nghĩ này có phần không đúng khi mà khó khăn là điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ tình huống nào, đặc biệt là trong trường hợp nhạy cảm, phức tạp. Ý thức được trở ngại và rủi ro sẽ giúp bạn nắm bắt toàn diện vấn đề, từ đó đưa ra được đa dạng phương án khắc phục hiệu quả.
Để trả lời các tình huống này, bạn có thể mở đầu bằng câu: “Sẽ gặp phải một số khó khăn có thể kể tới như…, nhưng đây đều là những rủi ro có thể lường trước và chủ động hạn chế bằng các phương án sau…”
Thái độ tự tin, chuyên nghiệp
Bên cạnh nội dung câu trả lời thì tinh thần mà bạn sử dụng trong buổi phỏng vấn cũng được xem xét kỹ và ảnh hưởng rất nhiều đến đánh giá từ nhà tuyển dụng. Mặc dù bạn đưa ra rất nhiều dẫn chứng, số liệu thuyết phục nhưng nói ấp úng hoặc không giao tiếp bằng mắt thì cũng sẽ rất khó để truyền đạt một cách thuyết phục.
Vì thế đối với các câu hỏi tình huống khó, hãy dành một chút thời gian để bình tĩnh và hình dung trong đầu những gì bạn sẽ trả lời. Chú ý điều chỉnh nhịp điệu nói, ngôn ngữ cơ thể cũng là một cách giúp bạn trả lời câu hỏi tình huống với một thái độ tích cực hơn.