Việc tầm soát ung thư hết sức quan trọng giúp phát hiện sớm các bệnh ung thư để có thể điều trị thành công hơn.
Bác sĩ Dương Tấn Khánh - giảng viên Đại học Y Dược Huế, hiện đang là bác sĩ nội trú tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ, cho biết hiện nay nhiều người nhầm tưởng rằng có biện pháp sàng lọc được tất cả các bệnh ung thư. Thậm chí, bác sĩ Khánh còn thấy một số phòng khám tư hay bệnh viện quảng cáo xét nghiệm được nhiều bệnh ung thư cùng lúc. Đây hoàn toàn là nhận thức sai lầm!
BS Khánh cho biết trong hàng trăm bệnh ung thư nhưng chỉ vài bệnh được khuyến cáo sàng lọc. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, chỉ có 5 bệnh ung thư sau đây là cần sàng lọc nên người dân cần hiểu và lựa chọn mình thuộc đối tượng nào cần sàng lọc ung thư để tránh tiền mất, thêm lo lắng.
1. Ung thư vú
Đây là ung thư có tỷ lệ mắc mới hàng đầu ở Mỹ cũng như toàn thế giới. Hiện nay ung thư vú là bệnh được khuyến cáo sàng lọc nhiều nhất.
Sàng lọc ung thư vú có nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên là chụp nhũ ảnh hay còn gọi là Xquang vú. Nếu trên phim chụp có đốm canxi hoá có thể phát hiện thấy.
Các tổ chức đều khuyến cáo nên sàng lọc ung thư vú từ 50 – 74 tuổi. Từ 50 – 54 tuổi sàng lọc 1 năm 1 lần. Nhưng từ 55 – 74 tuổi có thể sàng lọc 2 năm 1 lần.
Với người có mô vú dày thì có thể làm siêu âm thay vì chụp nhũ ảnh.
Độ tuổi từ 50 – 74 tuổi sàng lọc chỉ mang tính chất tương đối.
Tuy nhiên, những người có mẹ, chị em gái bị ung thư vú, ung thư buồng trứng cần sàng lọc sớm hơn.
2. Ung thư đại trực tràng (ung thư ruột già)
Đây là ung thư hàng đầu ở nam và nữ. Người ta khuyến cáo nên sàng lọc ung thư đại trực tràng cho người từ 50- 75 tuổi.
Cách sàng lọc là nội soi đại trực tràng. Bác sĩ lấy ống soi và đầu ống có gắn camera để đánh giá thương tổn nghi ngờ ung thư.
Tuy nhiên, đây là thủ thuật xâm nhập và gây khó chịu cho người bệnh nên được khuyến cáo cần gây mê. Nếu người bệnh có kết quả nội soi bình thường có thể 10 năm thực hiện nội soi đại trực tràng 1 lần.
Những trường hợp không chịu được nội soi đại trực tràng có thể dùng xét nghiệm thay thế như thử phân. Ung thư đại trực tràng hay gây chảy máu nên phương pháp tìm máu trong phân được coi là cách sàng lọc bệnh.
Nếu không có máu trong phân kết quả ổn định. Trường hợp phân có máu cần tìm nguyên nhân máu trong phân do ung thư hay do trĩ. Khi đó, bạn vẫn phải nội soi đại trực tràng. Xét nghiệm tìm máu trong phân thì nên thực hiện 1 năm 1 lần. Một số xét nghiệm ADN máu trong phân làm 3 năm 1 lần.
3. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai sau ung thư vú ở nữ.
Nguyên nhân nghi ngờ do nhiễm virus HPV. Bác sĩ Khánh cho biết thủ phạm HPV nên sàng lọc bệnh này có thể dùng xét nghiệm làm phiến đồ âm đạo.
Bác sĩ lấy dụng cụ âm đạo để lấy tế bào ở cổ tử cung và xét nghiệm xem có tế bào ung thư hay không.
Từ 21 – 29 tuổi 3 năm làm xét nghiệm này 1 lần
Từ 30 – 65 tuổi thực hiện 5 năm 1 lần.
Ung thư cổ tử cung từ vị trí hàng đầu ở phụ nữ hiện đã giảm xuống thứ 2 nên việc sàng lọc rất quan trọng.
4. Ung thư phổi
Nguy cơ hàng đầu của bệnh này do hút thuốc lá nên những người hút thuốc lá cần sàng lọc hút thuốc lá.
Hiệp hội y tế dự phòng của Mỹ đưa ra khuyến cáo những người từ 55 – 80 tuổi có tiền sử hút thuốc lá 30 gói/năm trở lên và hút trong vòng 30 năm. Người đang hút thuốc, thậm chí người đã bỏ thuốc 15 năm vẫn cần sàng lọc ung thư phổi.
Để sàng lọc ung thư phổi có thể thực hiện CT scan ngực, dù CT scan không phải là cách sàng lọc ung thư đại trà nhưng được chỉ định cho ung thư phổi.
Bạn muốn giảm bớt phơi nhiễm phóng xạ từ tia X trong CT scan thì có thể thực hiện CT scan liều thấp giảm khoảng ¼ khả năng nhiễm phóng xạ so với CT phổi thường quy. Vì vậy, người hút thuốc từ 30 năm trở lên và đã bỏ thuốc vẫn phải sàng lọc ung thư phổi hàng năm bằng CT liều thấp để phát hiện bất thường ở phổi.
5. Ung thư tiền liệt tuyến
Đây là ung thư có tỷ lệ mắc mới cao ở nam giới. Tiền liệt tuyến nằm phía sau dương vật. Tuyến tiền liệt này gây cho nam giới phiền toái nhiều nhất như phì đại tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến.
Để sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến, bệnh nhân có thể làm xét nghiệm PSA trong máu. Có thể tiến hành sàng lọc 1 – 2 năm/lần.
BS Khánh cho biết bình thường bác sĩ không chủ động sàng lọc ung thư này cho bệnh nhân. Bởi vì ung thư tuyến tiền liệt có hai hướng: Thứ nhất tiến triển nhanh di căn xương nhanh nên bệnh nhân khó sàng lọc. Rất hiếm bệnh nhân sàng lọc được ung thư tiền liệt tuyến thể này.
Hướng thứ hai đó là thể tiến triển chậm và bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng. Thể ung thư này không mang giá trị về mặt tỷ lệ tử vong và còn mang lại lo lắng cho bệnh nhân nên các bác sĩ cũng rất cần cân nhắc tư vấn kỹ được – mất cho bệnh nhân.