50 doanh nghiệp Hà Lan trong nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ đến thăm và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam cùng Thủ tướng Mark Rutte vào ngày mai (9/4).
Chuyến thăm diễn ra đúng ngày hai nước kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (9/4/1973 - 9/4/2019). Trước đó, Thủ tướng Mark Rutte đã có chuyến thăm chính thức lần đầu tiên tới Việt Nam, tháng 6/2014.
Cùng đi với Thủ tướng Mark Rutte có đoàn 50 doanh nghiệp Hà Lan trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Chuyến thăm của Thủ tướng Mark Rutte nhằm mục tiêu làm sâu sắc thêm các khuôn khổ hợp tác đã có, đồng thời thúc đẩy hợp tác hai nước trong một số lĩnh vực mới như kinh tế tuần hoàn, trồng trọt, công nghệ cao...
Dự kiến sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết trong dịp này.
Có thể bạn quan tâm
Các doanh nghiệp Hà Lan và Việt Nam cho biết, rất kỳ vọng vào chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte, đồng thời, tin tưởng chuyến thăm sẽ tạo động lực, chất xúc tác mới mang lại những triển vọng hợp tác tốt đẹp cho hai nước trong thời gian tới.
Trong những năm gần đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm khoảng trên 20%.
Trong năm 2010, với kim ngạch xuất khẩu gần 1,7 tỷ USD, Hà Lan đã vượt qua Anh và Pháp để trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại EU. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,68 tỷ USD, và trong năm 2017 đạt 7,7 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan gồm máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, giày dép, dệt may, hạt điều. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan gồm máy móc - thiết bị - dụng cụ - phụ tùng khác, linh kiện ô tô và phụ tùng, sữa và sản phẩm sữa, sản phẩm hóa chất, dược phẩm.
Tính đến tháng 12/2017, đối với những dự án FDI còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 11 trong số 116 quốc gia và lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 304 dự án có tổng số vốn đăng ký là 8,17 tỉ USD và là nhà đầu tư Châu Âu lớn nhất tại Việt Nam.
Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,84 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo và nhập khẩu từ Hà Lan chủ yếu thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo.
Các dự án đầu tư của Hà Lan hoạt động tại 29 tỉnh, thành phố trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có một số dự án lớn tại tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…
Ngoài một số dự án đầu tư lớn trên, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn hoạt động hiệu quả như Heineken, Unilever, Royal Dutch Shell, Friesland Campina, Akzo Nobel Coating, Philips. Những con số trên là dấu hiệu tích cực và sẽ gia tăng nhanh hơn trong tương lai.
Về phía Việt Nam đã có 7 dự án đầu tư vào Hà Lan với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng 6,5 triệu USD.