Ngành Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các nhiệm vụ đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 – 2025.
Ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ, khởi đầu mùa xuân với niềm tin mới, khí thế mới, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và cả nhiệm kỳ, trong đó tập trung làm tốt các nhiệm vụ:
Thứ nhất, quyết tâm hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đi đôi với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo định hướng, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW; bảo đảm bộ máy sau sắp xếp phải thực sự tinh gọn, hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách tạo sự đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; trọng tâm là ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thi hành đồng bộ các luật: Đất đai, Tài nguyên nước, Địa chất và Khoáng sản; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Đa dạng sinh học. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kết hợp với tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Bám sát, nắm vững tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách để khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ ba, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số Ngành Tài nguyên và Môi trường. Trọng tâm là xây dựng, số hóa dữ liệu thông tin đất đai; hoàn thiện và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
Thứ tư, quán triệt sâu sắc quan điểm: Phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm; xác định Môi trường là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững (Kinh tế - Văn hóa, xã hội - Môi trường); trên cơ sở đó, tiếp tục tổ chức thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường và triển khai nghiêm túc Kế hoạch giám sát tối cao của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; quyết tâm tạo bước thay đổi mang tính đột phá về bảo vệ môi trường, trọng tâm là kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị, khu cụm công nghiệp, làng nghề, lưu vực sông.
Thứ năm, triển khai các giải pháp mô hình, đề án, dự án thích ứng, tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết cực đoan. Tiếp tục hiện đại hóa mạng lưới khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng, chống, thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ sáu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường. Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong từng tổ chức đảng và đảng viên đối với các nhiệm vụ về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Qua đó, tạo sự đồng thuận, quyết tâm hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.