63 năm đã trôi qua, tại bến K15, dấu ấn khai mở con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại và những chiến công của Đoàn tàu không số vẫn còn vang vọng.
Ký ức oai hùng
Ngày 23/10/1961, trước yêu cầu chi viện sức người, sức của cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Đoàn vận tải quân sự 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125), với nhiệm vụ nghiên cứu mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, tổ chức đưa cán bộ, chiến sĩ và vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Từ đây, tuyến vận tải chiến lược, đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam chính thức đi vào hoạt động.
Đường Hồ Chí Minh trên biển là kỳ tích “có một không hai” trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nếu đường Hồ Chí Minh trên bộ được ví là trận đồ bát quái xuyên rừng rậm thì đường Hồ Chí Minh trên biển lại gắn liền với hình ảnh những con tàu không số đầy bí ẩn giữa đại lương bao la.
Để giữ bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác vận chuyển, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã lựa chọn xây dựng nơi xuất phát của “Đoàn tàu không số” tại Bến K15. Tên gọi Bến K15 là ký hiệu quân sự chỉ cảng và số hiệu lấy từ số của Nghị quyết của Trung ương Đảng lần thứ 15 về đường lối và phương pháp cách mạng miền Nam.
Bến K15 nằm nép mình dưới chân đồi Vạn Hoa, phía Nam bán đảo Đồ Sơn. Đây là địa điểm có vị trí chiến lược, hai bên có cánh núi che chắn, mặt hướng ra vịnh Bắc Bộ, dễ kiểm soát người và phương tiện ra vào, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt điểm xuất phát của tuyến chi viện lúc bấy giờ. Tại đây, những “con tàu không số” cứ thế lặng lẽ ra khơi làm nhiệm vụ, dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
63 năm đã trôi qua kể từ ngày mở tuyến vận tải quân sự chiến lược Bắc - Nam bằng đường biển, nhưng dấu ấn khai mở con đường và những chiến công hiển hách của Đoàn tàu không số vẫn còn vang vọng cho đến hôm nay.
Theo lời kể của những cựu chiến binh của Đoàn tàu không số năm xưa, đêm 11/10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh Phương Đông 1 rời Bến K15 lên đường vào Nam Bộ. Đến ngày 19/10/1962, tàu cập bến Vàm Lũng, ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân (Cà Mau) an toàn. Chuyến đi thành công của tàu Phương Đông 1 đã đặt dấu mốc cho việc khai thông tuyến chi viện từ Bắc – Nam trên biển, với hàng trăm chuyến tàu chở vũ khí, trang bị và con người chi việc đắc lực cho nhiều hướng chiến trường, nhiều chiến dịch lớn, địa bàn trọng yếu mà đường bộ chưa tới được.
Đến tháng 4/1963, lực lượng công binh đã xây dựng cầu tàu K15 - cột mốc số 0 của đường Hồ Chí Minh trên biển. Sau gần một tháng nỗ lực vượt khó thi công, cầu cảng K15 hoàn thành và bắt đầu thực hiện sứ mệnh lịch sử.
Là điểm xuất phát, "cột mốc số 0" của đường Hồ Chí Minh trên bển, Bến K15 đã có những đóng góp to lớn vào sự thành công của tuyến vận tải chiến lược chi viện miền Nam. Mỗi chuyến tàu xuất phát từ Bến K15, cán bộ, chiến sĩ trên các tàu đều không hề nao núng trước gian khó và mối hiểm nguy cận kề. Hải trình của những con tàu không số thường gắn liền với điều kiện thời tiết xấu nhất, càng giông tố, bão bùng càng là lúc thuận lợi cho những nhiệm vụ bí mật. Đặc biệt, trên mỗi tàu đều được cài sẵn những khối lớn thuốc nổ, phòng khi bị địch phát hiện, các chiến sĩ trên tàu sẽ kích cho nổ tàu, sẵn sàng hy sinh để giữ bí mật.
Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, trong 14 năm (từ năm 1961 - 1975) làm nhiệm vụ vận tải chiến lược quân sự trên biển, từ bến K15 Đồ Sơn, Đoàn tàu không số cứ lặng lẽ làm nhiệm vụ, vượt qua 65.721 hải lý, vận chuyển gần 160.000 tấn vũ khí và phương tiện, hơn 80.000 lượt cán bộ, chiến sĩ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Không bản đồ hải trình, có nhiều người chưa từng một lần đi biển từ Bắc vào Nam nhưng vẫn đưa những con tàu không số cập bến an toàn. Đến nay, sau nhiều năm trở về với cuộc sống đời thường, nhưng ký ức về ngày tháng lênh đênh trên tàu không số vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người cựu chiến binh may mắn sống sót trở về.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lưu Đình Lừng - Cựu chiến binh Đoàn tàu không số cho biết: “Mỗi một chuyến đi, chúng tôi được cấp trên xuống động viên mà khi đó chúng tôi gọi là "truy điệu sống". Nhưng chúng tôi vẫn kiên cường ý chí, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ mà Tổ quốc giao. Để giữ bí mật, các chuyến tàu thường xuất phát lúc 23h, cải dạng thành tàu đánh cá, câu cá... Nhà tôi ở Đồ Sơn cách bến K15 khoảng 6km nhưng không được về nhà vì phải giữ bí mật tuyệt đối”.
Còn theo ông Đào Hồng Tuyển - Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam, trong cuộc chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, để giữ bí mật tuyến đường vận chuyển quan trọng này, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh cùng con tàu, nhiều chuyến tàu mãi mãi nằm lại trong lòng biển khơi. Nhưng tấm gương anh dũng của các anh vẫn ghi đậm trong lịch sử oai hùng của cách mạng Việt Nam, trong lòng các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nơi giáo dục về truyền thống lịch sử
Hơn 60 năm qua, khu vực cảnh quan của di tích Bến K15 đã có nhiều đổi thay song ở nơi đây vẫn mang trong mình vẻ thâm trầm của chứng tích lịch sử. Từ xa nhìn lại, di tích Bến K15 với biểu tượng cánh buồm màu trắng sừng sững vươn cao hướng ra biển. Biểu tượng này được xây dựng vào năm 2005 để tưởng nhớ những chiến công và sự hy sinh của những người lính Hải quân năm xưa.
Từ trên thành bậc của biểu tượng này, dõi mắt nhìn xuống phía dưới biển là những chiếc cầu tàu găm sâu xuống lòng biển. Những chân cọc làm cầu tàu năm xưa neo vào lòng biển cả như khắc ghi sự hy sinh thầm lặng của những chiến binh quả cảm đã tạo nên một con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển.
Theo ông Đào Hồng Tuyển, các cựu chiến binh và thế hệ hôm nay sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Quân chủng Hải quân anh hùng và truyền thống của “Đoàn tàu không số” năm xưa, nguyện nỗ lực đóng góp tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bến K15 giờ đây không chỉ được nhắc đến như một bản hùng rất đáng tự hào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà nơi đây còn là điểm đến quan trọng trong tuyến du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp tín ngưỡng tại Đồ Sơn. Đồng thời là điểm đến tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử dân tộc của du khách trong và ngoài thành phố, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ hôm nay.
Ông Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn chia sẻ: “Đồ Sơn là một địa phương du lịch, việc phát huy giá trị của các di tích lịch sử gắn với du lịch là hết sức quan trọng. Bến K15 không chỉ là điểm đến tâm linh, điểm đến lịch sử của du khách trong và ngoài nước mà còn là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử. Hiện địa chỉ đỏ này cũng thường xuyên đón các đoàn học sinh, sinh viên, các đoàn du khách về để dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên Đoàn tàu không số”.