Nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm đã tạo ra khoảng trống pháp lý. Có văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết điều này khi trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8) tại phiên họp 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 17/9.
Theo đó, Thư ký Quốc hội cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành 55 luật; trong đó, có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 2 luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021.
Tính đến tháng 8/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành.
Đáng chú ý, trong số 485 nội dung đã được quy định chi tiết, có 184 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật và tỷ lệ chậm từ 6 tháng đến 1 năm là 11%, chậm từ 1 năm đến 2 năm chiếm đến 14%. Bên cạnh đó, nhiều luật có các quy định chi tiết đều ban hành chậm hoặc có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm thi hành của.
Cũng theo ông Phúc, qua giám sát cho thấy, không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung được luật giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Báo cáo chỉ rõ có 8 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội. Cụ thể 7 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 1 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Có 7 Nghị định và 3 Thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; Còn tình trạng chưa phân định rõ nội dung quy định chi tiết luật và biện pháp tổ chức thực hiện để thi hành luật.
Có văn bản quy định chi tiết đã được ban hành đủ về đầu mục nhưng có nội dung chưa cụ thể, khả thi, gặp khó khăn trong quá trình triển khai, như: quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, chính sách bù lãi suất, đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Nhiều dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm hồ sơ dự án luật, pháp lệnh gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn hình thức, chưa bảo đảm chất lượng. Việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được quan tâm đúng mức” – ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, Tổng Thư ký kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định, hạn chế giao quá nhiều quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Theo đó cân nhắc việc xem xét, thông qua đối với các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh có quá nhiều nội dung phải hướng dẫn thi hành hoặc có văn bản quy định chi tiết gửi kèm nhưng không bảo đảm các nội dung hướng dẫn.
Có thể bạn quan tâm
12:05, 25/01/2020
16:38, 23/12/2019
06:13, 27/12/2017
06:20, 24/11/2017