Các bên tham gia cam kết tiếp tục hợp tác để triển khai các giải pháp thực tế, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực một cách bền vững và toàn diện.
Trong khuôn khổ ABAC I 2025 tại Brisbane, Australia, nhận lời mời của ABAC Malaysia, với tư cách là Chủ tịch ABAC-ASEAN Caucus năm 2025, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên dự khuyết ABAC Việt Nam đã tham dự cuộc họp đầu tiên của các thành viên ASEAN trong APEC (ABAC - ASEAN Caucus), với mục tiêu tập trung vào việc thúc đẩy các ưu tiên kinh tế của ASEAN trong APEC, đảm bảo lợi ích của các nền kinh tế thành viên ASEAN được đại diện hiệu quả.
Dưới sự chủ trì của ABAC Malaysia, các thành viên đã tập trung thảo luận về ba lĩnh vực chính: hội nhập khu vực, chuyển đổi số và phát triển bền vững.
Theo đó, ông Datuk Ruben Emir Gnanalingam bin Abdullah, thành viên ABAC Malaysia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất các ưu tiên ASEAN trong ABAC và APEC, tạo cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực một cách hiệu quả.
Các thành viên cũng đã có một số sáng kiến quan trọng về các nội dung liên quan tại buổi họp. Cụ thể, đại diện ABAC Malaysia giới thiệu về Báo cáo Bền vững ASEAN, trong khi đó ABAC Indonesia chia sẻ về Trung tâm Xuất sắc về Carbon và Chuỗi cung ứng xe điện.
Đại diện ABAC Singapore đã chia sẻ thêm về giá trị kinh tế và chi phí môi trường của nền kinh tế số toàn cầu; ABAC Thái Lan tập trung vào kết nối thương mại số. Mặt khác, đại diện ABAC Philippines đã đề cập đến khả năng phục hồi trước thiên tai và ABAC Canada chia sẻ về các ưu tiên số của ABAC.
Những ý kiến đóng góp của các thành viên đã giúp định hình chiến lược hợp tác của ASEAN trong các lĩnh vực quan trọng, đồng thời cung cấp góc nhìn sâu sắc về các thách thức và cơ hội trong khu vực.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch VCCI đã cùng các thành viên thảo luận nhằm xác định các ưu tiên chiến lược chung của ASEAN trong ABAC và APEC. Cụ thể, các bên nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hợp tác trong báo cáo bền vững, phát triển chiến lược chung về chuyển đổi năng lượng và xe điện, đẩy mạnh kết nối thương mại số và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), đồng thời nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai trong khu vực.
Tại buổi họp, ông Dato' Hazimah Zainuddin, thành viên ABAC Malaysia khẳng định cam kết của ABAC Malaysia trong việc điều phối các hoạt động của Caucus; đồng thời đảm bảo các ưu tiên của ASEAN được đưa vào chương trình nghị sự của ABAC và APEC, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế bền vững trong khu vực.
Trước đó, Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cũng tham dự Đối thoại ABAC SOM, nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa các thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) và các Quan chức cấp cao APEC (SOM) về các ưu tiên của ABAC trong năm 2025, cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác nhằm thúc đẩy các mục tiêu chung của APEC.
Các đại biểu được chia thành ba nhóm thảo luận với các chủ đề quan trọng bao gồm: Thương mại & Đầu tư: thảo luận về việc thúc đẩy FTAAP để đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững và toàn diện, cũng như củng cố vai trò của WTO trong thương mại số và giải quyết các rào cản chính sách.
Trong phiên thảo luận về số hóa & Đổi mới, các đại biểu tập trung vào việc sử dụng AI và công cụ số để thu hẹp khoảng cách số, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (MSMEs), đồng thời tăng cường hợp tác về hệ thống y tế thông minh và thúc đẩy quan hệ đối tác công tư (PPP).
Với chủ đề phát triển bền vững, Phó Chủ tịch VCCI đã có những ý kiến quan trọng trong việc đưa ra các giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng thực tế, vượt qua rào cản đầu tư và giải quyết các thách thức về cơ sở hạ tầng để đảm bảo an ninh năng lượng và chuyển đổi số.
Đối thoại ABAC SOM đã mang lại nhiều đóng góp giá trị và thống nhất một số hướng đi quan trọng, bao gồm các bên nhất trí củng cố sự phối hợp giữa ABAC và SOM để thúc đẩy tiến trình FTAAP, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các sáng kiến số hóa, đồng thời đẩy mạnh quan hệ đối tác công tư để giải quyết các thách thức trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Tất cả các bên tham gia cam kết tiếp tục hợp tác để triển khai các giải pháp thực tế, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực một cách bền vững và toàn diện.