Trong kỳ ĐHĐCĐ bất thường tới đây, Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (HoSE: AGM) không chỉ trình nội dung điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, mà còn cả các vấn đề nhân sự lãnh đạo.
>> Thao túng thị trường chứng khoán, lãnh đạo Louis Holdings bị khởi tố
Nhiều dấu hiệu cho thấy AGM đang rơi vào một thời kỳ chịu tác động sâu từ vụ ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Louis Holdings, Chủ tịch AGM, thành viên HĐQT Louis Capital, cổ đông lớn nhất của AGM– vướng vòng lao lý.
Đảo ngược kế hoạch kinh doanh
Đầu năm 2022, ĐHCĐ AGM đã thông qua kế hoạch doanh thu năm nay tăng trưởng 205% và lợi nhuận tăng 147,8% so với ước thực hiện năm 2021. Cùng với đó là các định hướng kinh doanh hết sức hứng khởi như Công ty dự kiến tiếp tục đầu tư, góp vốn và tái cấu trúc các công ty thuộc ngành lương thực nhằm tạo chuỗi liên kết bền vững và chuyên môn hóa…
Tuy nhiên, sau khi ông Đỗ Thành Nhân bị bắt, mặc dù có kết quả kinh doanh quý I/2022 tích cực, AGM dường như vẫn đang dự báo bức tranh u ám phía trước. Theo tài liệu ĐHĐCĐ bất thường sắp tới AGM sẽ trình lại cổ đông kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu 3.939 tỷ đồng và lợi nhuận 25 tỷ đồng, giảm lần lượt 51% và 64% so với kế hoạch trước đó.
25 tỷ đồng là chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 mà AGM dự kiến trình ĐHCĐ bất thường điều chỉnh lại.
Sở dĩ AGM có bước lùi như vậy do xuất khẩu gạo vào thị trường Châu Á nói chung có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro và tính cạnh tranh cao cùng với chi phí logistics tăng mạnh.
Điều đáng nói là trong quý I/2022, khi tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, Công ty cũng đã tiên liệu về khó khăn của ngành lương thực, song vẫn giữ mục tiêu cao như dự kiến. Điều này khiến không ít nhà đầu tư nhận định dư âm của lãnh đạo cao nhất của AGM bị bắt, tác động sâu tới doanh nghiệp qua Louis Land và các thành viên trong hệ sinh thái. AGM theo đó cũng chao đảo khó giữ vững phương hướng đã định.
Bên cạnh kế hoạch kinh doanh đảo lộn, cũng như mọi đơn vị thành viên thuộc hệ sinh thái Louis Holdings chật vật trước làn sóng lãnh đạo cấp cao từ nhiệm, AGM đã phải tạm bổ nhiệm loạt lãnh đạo thay cho những vị trí thành viên HĐQT rời đi, như ông Trần Ngọc Thạch, ông Đỗ Thành Nhân… Vì vậy, nội dung trọng yếu của kỳ ĐHĐCĐ bất thường lần này là trình cổ đông thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT từ nhiệm và bầu thay thế Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025, tương ứng bầu 2 Thành viên HĐQT và 1 Thành viên Ban kiểm soát.
Đáng chú ý, AGM đã phát thông báo về việc ứng cử, đề cử Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát đến công chúng. Theo đó, cổ đông nắm giữ sở hữu từ 10% trở lên có quyền đề cử, ứng cử theo quy định và sẽ lũy kế số đại diện nhân lên tương ứng tỷ lệ cổ phần chi phối.
Theo số liệu hiện có, Louis Holdings vẫn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 51% cổ phần tại AGM. Thời gian gần đây, dữ liệu giao dịch ghi nhận sự tham gia đầu tư vào AGM từ Ladophar, một thành viên trong hệ sinh thái của Louis Hodidngs.
Bên cạnh đó, HĐQT của AGM cũng đã có Nghị quyết HĐQT chấp thuận các hợp đồng, giao dịch trong năm 2022 với bên có liên quan. Theo đó, tùy theo các đối tượng, loại hợp đồng, AGM chấp nhận các giao dịch này với một tỷ lệ công bố rõ trong khung quy định. Đây được xem là tiền đề để AGM dễ dàng giao dịch “qua lại” với các thành viên hệ sinh thái; và mặt khác cũng cho thấy sự chi phối, tầm ảnh hưởng của Louis Holdings với AGM dù không còn ông Đỗ Thành Nhân, cũng chưa thực sự thay đổi.
Có thể bạn quan tâm