Ahamove vừa miễn phí bộ công cụ phân tích thị trường cho các doanh nghiệp. Liệu họ có quá hào phóng?
Trong môi trường kinh doanh ngày nay, một bộ dữ liệu và phân tích dữ liệu tốt còn quý hơn vàng. Ahamove vừa mới cho ra mắt một công cụ phân tích quý giá như vậy, và lại còn miễn phí cho các doanh nghiệp bán hàng vừa và nhỏ. Liệu họ có quá hào phóng?
Trong khi các doanh nghiệp khác đều áp dụng chiến lược phòng thủ để mong sống sóng qua đợt dịch COVID-19 kéo dài, gã giao hàng nhỏ bé Ahamove đã âm thầm thực hiện một loạt các nước đi táo bạo. Nổi bật trong đó là công cụ phân tích thói quen mua sắm được Amahove giới thiệu cuối tháng 9 vừa qua.
Công cụ cho phép phân tích “Sản phẩm này được ưa chuộng ở khu vực nào” và “khu vực này đang ưa chuộng sản phẩm nào”. Ví dụ: Bánh mỳ được đặt nhiều từ khu vực quận Hoàn Kiếm, Khu vực gần toà nhà MIPEC ưa chuộng quần áo và đồ ăn vặt.
Đây là một công cụ rất dễ sử dụng - các cửa hàng có thể nhắm đối tượng quảng cáo trực tiếp vào các khu vực này. Đây là một công cụ quyền năng - có thể giúp các cửa hàng tăng doanh số một cách trực tiếp và ngay lập tức, mà khó có công cụ nào khác làm được.
Tuy nhiên, liệu Ahamove có đang quá hào phóng khi cho đi công cụ này miễn phí?
Một điều khá thú vị: Bộ cẩm nang đánh giá ẩm thực nổi tiếng Michelin có nguồn gốc từ một công ty sản xuất lốp xe.
Vào đầu những năm 1900, hệ thống giao thông cá nhân ở Pháp rất nghèo nàn. Những công ty sản xuất lốp xe như Michelin chật vật trong việc làm ăn. Không cam chịu, vào năm 1926, họ cho ra mắt “Cẩm nang Michelin” chuyên đánh giá, cấp sao những nhà hàng xa xỉ.
Cẩm nang này có tầm ảnh hưởng đến mức khiến dân Pháp đổ xô đi truy tìm những nhà hàng độc đáo. Hệ quả là lốp xe của họ nhanh mòn hơn, làm doanh số toàn ngành lốp xe cùng tăng, tất nhiên có Michelin hưởng lợi trong đó.
Ngày nay, chỉ cần 1 sao Michelin là đủ giúp nhà hàng nổi tiếng trên toàn thế giới. Còn lốp xe Michelin ngày càng ăn nên làm ra, khẳng định vị thế của mình.
Một nước đi làm vực dậy cả hai ngành - ẩm thực và lốp xe, cùng toàn bộ những doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái. Và cuối cùng Michelin - người hùng trong câu chuyện này - vẫn là người hưởng lợi nhiều nhất.
Nước đi của Ahamove chính là chiến lược ngày nào của Michelin.
Họ cung cấp dữ liệu thu được trong 5 năm hoạt động của mình, để giúp các cửa hàng bán lẻ tăng doanh số. Khi các cửa hàng bán được nhiều hơn, thì nhu cầu giao hàng cũng tăng. Và khi nhu cầu giao hàng tăng, thì toàn ngành giao nhận phát triển. “Nước nổi bèo nổi”, Ahamove cũng là người hưởng lợi.
Giống như Michelin, Ahamove cung cấp công cụ của mình một cách miễn phí, không chỉ giúp đối tác của họ (các cửa hàng bán lẻ), mà còn giúp cả các đối thủ trong ngành giao nhận (giaohangtietkiem, giaohangnhanh, và cả Grab và Go Jek). Một nước đi thông minh và cũng không kém phần hào phóng.
Tuy nhiên, chiếc lược này cũng không kém phần rủi ro. Hãy nhớ rằng Michelin, khi đóng vai anh hùng, vốn đã là kẻ thống trị thị trường. Khi một ông vua giúp đỡ thần dân của mình, ông vua vẫn là người hưởng lợi nhiều nhất: người Pháp năm 1926 khi mòn lốp, họ sẽ nghĩ đến Michelin đầu tiên.
Còn Ahamove hiện giờ không phải là vua. Liệu khi cố đóng vai anh hùng họ có đang tự bắn vào chân mình khi giúp các đối thủ khác phát triển nhanh hơn? Một chiến lược rất thú vị, cùng chờ xem hiệu quả của nó sẽ như thế nào.