Nhiều người dân trở thành những nạn nhân khốn cùng, nhiều doanh nghiệp cũng bị ép đến mức tán gia bại sản. Các băng nhóm “xã hội đen” dường như thao túng chính quyền nên ngang nhiên lộng hành...
Những ngày gần đây, thông tin về băng nhóm “xã hội đen”, với vỏ bọc doanh nhân lộng hành hơn một thập kỷ tại Thái Bình, bị Công an tỉnh khởi tố, bắt tạm giam khiến dư luận xôn xao.
Cái tên "Đường Nhuệ" đã trở thành nỗi khiếp đảm của không ít hộ kinh doanh và người dân Thái Bình trong suốt nhiều năm qua. Băng nhóm này không chỉ hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, ngang nhiên gây ra nhiều vụ đánh người, đập phá tài sản, mà còn nhảy vào khống chế lĩnh vực đấu giá đất tại hầu hết các địa phương ở tỉnh này.
Luật sư Trần Hồng Lĩnh - Trưởng Văn phòng Luật sư Lĩnh Chính Thắng cho rằng, việc bắt giữ vợ chồng đại ca này là một tín hiệu tốt, đáng mừng, mở ra một trang mới về tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội cho người dân Thái Bình.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm”. Quan trọng hơn là phải loại bỏ được những phần tử chống lưng “bảo kê” dính líu đến hang ổ tội phạm này.
"Bài học vẫn còn đó về sự cám dỗ mà một Trung tướng nguyên Thứ trưởng Bộ công an Bùi Quốc Huy và nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao Phạm Sĩ Chiến bị Năm Cam (TP.HCM) mua chuộc trở thành công cụ cho hắn.
Ở đây, băng nhóm giang hồ Đường Nhuệ còn nguy hiểm và tàn bạo hơn cả Năm Cam. Chúng hoạt động nhiều năm nay dưới vỏ bọc một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Chúng có rất nhiều tiền, rất chịu chi để “buôn quan” nên có quan hệ rất rộng và không tránh khỏi có cán bộ ở nhiều ngành, nhiều cấp chống lưng, dung túng" - Luật sư Lĩnh chia sẻ với báo chí.
Không chỉ tại tỉnh Thái Bình, “xã hội đen” một số nơi còn đe dọa cả quan chức cấp cao, khiến chính quyền cũng phải e dè. Còn nhớ năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cùng giám đốc Công an tỉnh do ngăn chặn việc tận thu tài nguyên (nạo vét hút cát - PV) nên liên tục bị nhắn tin dọa giết, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh đã phải có văn bản “cầu cứu” Thủ tướng Chính phủ.
Sự việc khiến người dân cả nước giật mình, tại sao nhóm “xã hội đen” lại lộng hành ngang ngược, “coi trời bằng vung” thách thức chính quyền như vậy? Kết quả điều tra, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân, Nguyễn Trọng Phương chính là người nhắn tin dọa giết Chủ tịch và giám đốc Công an tỉnh. Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã từ chối dự án của công ty Phương, với lý do việc tận thu tài nguyên sẽ gây sạt lở bờ sông.
Đối tượng đã bị kết án 3 năm tù, nhưng dư luận còn hoài nghi, phải chăng có thế lực rất lớn đứng sau “bảo kê”, nên doanh nghiệp này mới lộng hành như vậy?
Sự việc tương tự năm 2019, khiến dư luận cả nước vô cùng bức xúc, một băng nhóm “xã hội đen” ngang nhiên huy động lực lượng bao vây xe chở công an ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai).
Điều đáng nói là dù lực lượng chức năng được điều động đến giải quyết, nhưng băng nhóm "xã hội đen" này vẫn bất chấp và thách thức. Chỉ đến khi có sự can thiệp, “thương lượng” chúng mới chịu "buông bỏ”.
Sau vụ việc này, người dân cả nước không khỏi băn khoăn, đến lực lượng công an còn phải “thương lượng” với “xã hội đen” thì người dân, doanh nghiệp biết nhờ cậy, tin tưởng vào đâu? Tại sao lực lượng công an ngay lúc đó không mạnh tay trấn áp tức khắc tất cả các đối tượng ngang nhiên vi phạm pháp luật, mà phải "thương lượng" với đám côn đồ này?
Dường như cũng bởi sự lộng hành của các băng nhóm "xã hội đen" nên đã không ít hiện tượng người dân, doanh nghiệp khi cần giải quyết những vấn đề riêng đã không tìm đến cơ quan công quyền mà chuyển sang "nhờ vả" đám "xã hội đen" dàn xếp hộ như đòi nợ, nhờ bảo kê để được yên ổn làm ăn... Đây cũng là nguyên nhân làm cho tư tưởng “thỏa hiệp”, lo sợ “xã hội đen”, thậm chí tin vào “xã hội đen” khi có công việc cần giải quyết.
Và chính vì tâm lý bỏ tiền ra nhờ cậy “xã hội đen” giải quyết công việc cho nhanh, gọn trong làm ăn, sinh hoạt đã thành “thói quen” của không ít người. Đây là điều kiện, cơ hội giúp băng nhóm “xã hội đen” có đất sống, ngày phát triển, càng mạnh và nguy hiểm hơn.
Có thể bạn quan tâm
22:19, 07/04/2020
17:23, 08/04/2020
06:42, 18/05/2016
Phát biểu tại hội nghị của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị MTTQ Việt Nam phải đóng góp vào việc... “loại bỏ những băng nhóm “xã hội đen” xuất hiện trong nền kinh tế thị trường đe dọa cuộc sống người dân và doanh nghiệp".
Phải nói, vấn đề “xã hội đen” trong nền kinh tế không phải đến lúc này mới được nêu ra. Trước đó, lãnh đạo ngành công an đã không ít lần đề cập đến vấn đề này trong các chỉ đạo truy quét tội phạm. Đó chính là các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, núp bóng doanh nghiệp, bảo kê, siết nợ, đòi nợ thuê, thanh toán, trả thù lẫn nhau, chống người thi hành công vụ.
Thủ tướng Chính phủ đã phải dùng từ “xã hội đen” để gọi tên những hiện tượng, băng nhóm trong nền kinh tế cho thấy tình trạng này đang rất báo động. Bởi cũng nên hiểu rằng: “xã hội đen” là một thế lực ngầm, trong bóng tối nhưng lại có thể chi phối những chủ thể hiện hữu, bất chấp cả pháp luật, đôi khi cả luân thường, đạo lý. Dường như, khi có sự “bắt tay” giữa các nhóm lợi ích nắm quyền hành trong tay (đỏ), với các thế lực “xã hội đen” có sức mạnh đồng tiền, cùng sự liều lĩnh thì sự pha trộn giữa “đỏ” và “đen” sẽ là điều đáng sợ nhất.
Những kết quả đạt được của ngành công an trong việc truy quét các băng nhóm tội phạm núp bóng doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, sự diễn biến phức tạp của chúng và hậu quả khôn lường từ hiện trạng trên vẫn đang tiếp tục gây ra những bất an cho người dân và xã hội.