Một chủ nhật “héo”, theo cách nói của người Pháp, hoàn toàn được phép biếng nhác, trễ nải, tôi ngồi tựa ban công ngôi biệt thự nằm khuất trên núi Đồ Sơn.
Tôi nhìn mặt trời đang lặn, thở thứ khí trời thơm mùi nhựa thông và nghe từ chiếc máy quay đĩa cũ bản nhạc có từ thời tàu Titanic chưa bị chìm. Tôi muốn chia sẻ cảm xúc của mình, song xung quanh chẳng có ai. Gọi điện cho một thằng bạn, nó hỏi : “Đồ Sơn nào cơ?”
Có thể bạn quan tâm
06:30, 21/08/2017
10:00, 15/07/2017
07:00, 06/07/2017
Kiến trúc sư B là con của một người Việt đã đến nước Pháp từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Anh biết Đồ Sơn qua những lời kể của cha. Lần về quê này anh muốn được đi Đồ Sơn. Sau 2 ngày rong chơi biển, tôi hỏi anh có ấn tượng gì về Đồ Sơn? Anh nói: “Đẹp lắm! Nhưng tôi không thích!”. Tôi không nghĩ rằng sự chưa hài lòng của anh là do thời tiết, mặc dù hôm đó trời nóng đến nỗi những bông hoa mọc trong nhà cũng cúi rạp xuống dưới sức nặng của không khí. Thế nhưng bù lại phong cảnh Đồ Sơn rõ thật sơn thủy hữu tình, Nha trang, Vũng tàu… không thể so bì!
Đồ Sơn có dãy núi Rồng quanh co chạy dọc theo biển. Trên núi có rừng thông ngút ngát reo. Giữa rừng thông có những tòa biệt thự xây theo kiểu Pháp xinh xắn, mát mẻ. Đứng sau cửa sổ mở rộng của nó có thể nhìn thấy mặt trời hệt một chiếc đĩa phẳng lớn treo trên mặt biển, còn mặt nước biển lại trông như một tấm thảm lấp lánh ánh bạc. Và trên tấm thảm nước đó có cánh buồm nhỏ đang bò chầm chậm về phía đảo Dáu - hòn đảo “đầu Rồng” có cây đèn biển trên 100 tuổi và có đền thờ Nam Hải Đại Vương, vị thần linh thiêng bảo hộ cho các ngư dân vùng biển Bắc Bộ. Vào những đêm trăng, Đồ Sơn đẹp đến nín thở. Nếu có một chai rượu vang thật ngon thì niềm hạnh phúc sẽ trở thành nỗi ngất ngây, khiến mặt trăng cũng lắc lư như con diều giấy ở đầu dây lúc lộng gió.
Ngắm cảnh tượng ấy, anh Việt kiều đã thốt lên: “Thiên nhiên ở những bãi biển miền Nam nước Pháp cũng chỉ đẹp đến thế này!”. Sau đó, kiến trúc sư B ngập ngừng: “Thế nhưng…”. Tôi hiểu anh muốn nói gì. Phải thừa nhận rằng đa số công trình nhà ở Đồ Sơn chỉ làm hỏng đi vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển này. Chúng được xây dựng trong nửa sau của thế kỷ 20 từ những thiết kế xấu xí, hoặc xưa là mới thì nay đã thành kinh điển già cỗi. Thời gian càng làm lộ rõ tất cả đường nét quê mùa, lỗi thời của chúng. Chúng kéo tuột Đồ Sơn xuống vị trí của một bãi biển bình dân, không còn là nơi ngày xưa Vua Bảo Đại đã từng đặt biệt thự mùa hè, nơi mà 60 năm trước chính phủ chọn xây nhà nghỉ cho các lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước. Điều bất hạnh nhất của một công trình kiến trúc là không thể dùng hòn tẩy để mà tẩy nó đi được!
Kỳ II: Con người đã ngược đãi biển Đồ Sơn.