Ai đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

LÊ MỸ 19/08/2020 05:40

Các doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu tổng cộng 171,5 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bỏ xa mức tăng trưởng 37% của năm 2019.

Top1 phát hành: Bất động sản

Năm 2019, doanh nghiệp BĐS huy động 57.110,7 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu, chiếm 19,25% tổng giá trị toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Năm 2020, khối doanh nghiệp BĐS tiếp tục bứt tốc huy động qua kênh này. Riêng quý II/2020, lượng trái phiếu của khối doanh nghiệp BĐS phát hành đạt 47,2 nghìn tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với lượng phát hành quý I/2020 và cùng kỳ 2019, chiếm 80% tổng lượng TPDN được phát hành trong quý.

Lũy kế 6 tháng đầu 2020, có 71,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS được phát hành, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành và tăng 57,5% so với 6 tháng đầu 2019. Như vậy xét về tổng lượng phát hành, khối BĐS đã tăng tỷ trọng lên gấp đôi trong 6 tháng 2020 so với cả năm 2019 cũng như, giá trị huy động trong nửa đầu năm nay đã vượt qua giá trị phát hành đạt được của cả năm.

Dẫn đầu về các doanh nghiệp phát hành lô lớn trái phiếu theo đợt trị giá nghìn tỷ là những top1trending trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thống kê của SSI Reseach gọi tên 5 doanh nghiệp top đầu lần lượt là Vinhomes, TNR Holdings, CTCP Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL, Mặt trời Hạ Long, Sài Gòn Glory, Đầu tư và Phát triển Golf Bình Hải. Trong đó, Vinhomes và TNR Holdings để lại khoảng cách xa về giá trị huy động qua trái phiếu, so với các doanh nghiệp nối đuôi còn lại, với lần lượt 12.000 tỷ đồng và 8.000 tỷ đồng đã được các trái chủ bỏ tiền thành công.

Trong 19 doanh nghiệp BĐS của toptrending phát hành trái phiếu 6 tháng đầu năm nay với giá trị vượt 1.000 tỷ đồng, cũng theo thống kê của SSI, lãi suất trái phiếu của đợt huy động thấp nhất top 3 lần lượt thuộc về Mặt trời Hạ Long (8,65%/năm), Thành phố Xanh (9,50%/năm) và Vinhomes (9,65%/năm). Điều này cũng khá phù hợp với quy luật chung trên thị trường trái phiếu khi lãi suất huy động mà doanh nghiệp phát hành phải trả thường phụ thuộc vào: Uy tín, giá trị thương hiệu và năng lực doanh nghiệp + loại hình trái phiếu có/ hoặc không có tài sản đảm bảo + tính linh hoạt của trái phiếu.

Nếu xét theo thống kê của SSI, lãi suất trái phiếu của khối doanh nghiệp BĐS trong 6 tháng đầu năm không quá dao động so với 2019, mặc dù lãi suất vay trên thị trường do dịch COVID-19 đã có mức điều chỉnh đáng kể, song thực tế chỉ dành cho những người vay vẫn đảm bảo luân chuyển dòng tiền, có tài sản lớn thế chấp và các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, mức lãi suất trái phiếu huy động của khối này cao nhất 12,50%, và bình quân ở khoảng >10%. SSI phân tích riêng quý II, lãi suất bình quân của khối này khoảng 10,42%, thấp hơn so với quý I/2020 (10,77%). Trên bình diện trực quan, có thể thấy lãi suất trái phiếu BĐS không xuất hiện các trường hợp phát hành trị giá lớn với mức lãi ngất ngưởng 14-15% như ở năm 2019.

Top1 mua: Ngân hàng & Nhà đầu tư cá nhân

Trong khi đó, ở chiều mua, SSI cho biết các nhà đầu tư cá nhân đã mua 14,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS trên sơ cấp, chiếm 20% tổng lượng phát hành trong 6 tháng đầu 2020. Trong đó riêng mua trái phiếu kỳ hạn 3- 5 năm, lãi suất cố định 10,9%/năm của TNR Holdings và TNL là 12,2 nghìn tỷ đồng chia làm 251 lô phát hành nhỏ.

Bên cạnh phát hành mới, hai doanh nghiệp này cũng liên tục mua lại các trái phiếu đã phát hành những năm trước đó, bên bán lại trước hạn cũng hầu hết là các khách hàng cá nhân nên dù phần nhiều là trái phiếu không có tài sản đảm bảo nhưng tính thanh khoản của các trái phiếu do TNR và TNL phát hành khá cao, lãi suất phát hành trong 6 tháng 2020 cũng cao hơn so với mức bình quân 10,26% của năm 2019.

Nhóm mua tổ chức quen thuộc trên thị trường là các NHTM cũng mua 28,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu BĐS trên thị trường sơ cấp, chiếm 40% tổng lượng phát hành trong 6 tháng 2020. Một số lô phát hành lớn được các NHTM mua là của CTCP Kita Invest, CTCP Phát triển Thành phố Xanh, CTCP City Garden, CTCP Đầu tư kinh doanh BĐS Hà An, Công ty TNHH Saigon Glory, Công ty TNHH Thành phố AQUA…

Theo bảng thống kê, đứng đầu phía mua là khối NHTM xét về trái phiếu trên toàn thị trường (không riêng BĐS). Các ngân hàng mua vào tổng cộng 38,4 nghìn tỷ đồng TPDN của các tổ chức phi tín dụng trên thị trường sơ cấp trong 6 tháng đầu năm 2020, tương đương 31% tổng lượng phát hành (loại trừ ngân hàng) của toàn thị trường. Các NHTM tập trung mua các trái phiếu BĐS và trái phiếu các doanh nghiệp năng lượng. “Số lượng TPDN mà các NHTM mua thực tế có thể lớn hơn đáng kể do nhiều lô phát hành chỉ ghi chung chung là tổ chức trong nước mua. Theo báo tài chính của các NHTM, đến hết quý 1/2020, lượng trái phiếu của Tổ chức Kinh tế do 18 NHTM niêm yết nắm giữ đã là 165,2 nghìn tỷ đồng – tăng 37,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2019, trong đó nhiều nhất là Techcombank và VPBank”, báo cáo SSI đề cập.

Top1 tư vấn bảo lãnh phát hành: TCBS

Không bất ngờ, 2 NHTM dẫn đầu nhóm mua TPDN sơ cấp đều có công ty chứng khoán TCBS và VPS là những đơn vị quen mặt đặt tên trong nghiệp vụ tư vấn bảo lãnh phát hành TPDN. Trong đó, TCBS liên tục nhiều năm là top1trending của nghiệp vụ này trên toàn thị trường. Thị phần 6 tháng 2020 của TCBS đang chiếm 23,8%, bỏ xa 9,7% của SSI và các doanh nghiệp khác. 

Bên cạnh đó, dĩ nhiên NHTM vừa là người mua nhưng đồng thời cũng là nhà phát hành lớn. Trong 6 tháng 2020, nhóm ngân hàng đạt tổng giá trị phát hành là 47,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6% và tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, đứng top2trending phát hành.

Top3 tiếp tục thuộc về nhóm năng lượng và khoáng sản với giá trị phát hành 10,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,1%) - gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019). Còn lại là nhóm phát triển hạ tầng (1,6%), các công ty dịch vụ tài chính (1,7%) và các doanh nghiệp khác.

Báo cáo của SSI cũng chỉ ra có tới hơn 90% đợt phát hành trong 6 tháng đầu 2020 thuộc về trái phiếu chào bán riêng lẻ. Theo các chuyên gia, đây là loại hình đòi hỏi công bố thông tin ít ỏi, không yêu cầu doanh nghiệp phát hành phải có lãi năm liền trước, và điều đó thông thường sẽ mang đến rủi ro lớn hơn cho nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Với khoảng thời gian ít ỏi còn chưa đầy 2 tuần là đến ngày 1/9/2020, thời điểm Nghị định 81/2020/NQ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 163/NĐ-CP có hiệu lực, dự kiến thị trường trái phiếu sơ cấp sẽ tiếp tục nhộn nhịp chào bán riêng lẻ để chạy đua trước khi bị áp các quy định chặt chẽ hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bữa no” trái phiếu và cú “hích” tín dụng

    “Bữa no” trái phiếu và cú “hích” tín dụng

    12:03, 14/08/2020

  • Cuộc đua trái phiếu ngân hàng trước giờ G

    Cuộc đua trái phiếu ngân hàng trước giờ G

    12:00, 13/08/2020

  • Giải pháp nào đẩy mạnh phát triển trái phiếu doanh nghiệp?

    Giải pháp nào đẩy mạnh phát triển trái phiếu doanh nghiệp?

    11:38, 11/08/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ai đang "làm mưa làm gió" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO