Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp vẫn tin rằng việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ là một khoản đầu tư về công nghệ, chỉ cần đầu tư nhiều về công nghệ sẽ mang lại hiệu quả tức thì.
Tuy nhiên, để “đánh thức” được lợi thế cạnh tranh thông qua AI, đòi hỏi doanh nghiệp phải trải qua nhiều sự chuyển đổi.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, công nghệ không phải là yếu tố quyết định áp dụng thành công AI vào cạnh tranh, theo nghiên một nghiên cứu mới công bố gần đây. Nghiên cứu này được thực hiện trong 5 năm với nhiều giai đoạn, bắt đầu bằng cuộc khảo sát các nhà quản lý và giám đốc điều hành cấp cao, sau đó là các cuộc phỏng vấn và khảo sát trên một loạt các ngành để xác định các chiến lược và rào cản khi triển khai công nghệ.
Sau cùng, nghiên cứu này chỉ ra rằng cạnh tranh trong thời đại số không phải do công nghệ quyết định, mà chính cấu trúc tổ chức kiểu mới, trong đó công nghệ được sử dụng để mang lại những điều tốt nhất cho con người mới là yếu tố then chốt. Nói một cách đơn giản, đó chính là mô hình kinh doanh, nơi máy móc và con người kết hợp để bổ trợ cho nhau.
Từ kết quả nghiên cứu trên, các học giả đã đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khi ứng dụng AI.
Trước tiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định rõ sứ mệnh của tổ chức. Ngoài mục đích theo đuổi lợi nhuận, thì đâu là lý do thực sự cho sự hình thành và phát triển của tổ chức?. Điều này có vai trò quan trọng quyết định sự thành công trong việc áp dụng AI vào doanh nghiệp.
Chẳng hạn, sứ mệnh của Facebook là “mang đến cho mọi người sức mạnh xây dựng cộng đồng và mang thế giới đến gần nhau hơn”. Nghe có vẻ cao cả, nhưng việc Facebook sử dụng AI gần đây đã làm dấy lên lo ngại từ các nhà quảng cáo. Các nội dung của Facebook được điều khiển bởi các thuật toán ưu tiên nội dung thu hút được nhiều sự chú ý và tương tác của người dùng, nhưng đó lại là những nội dung gây phản cảm, hiểu lầm và chia rẽ xã hội. Điều này giáng một đòn mạnh vào Facebook vốn có 98% thu nhập từ doanh thu quảng cáo. Đây thực sự là mặt trái của công nghệ nếu doanh nghiệp không biết hóa giải.
Để dẫn đầu trong kỷ nguyên số, các doanh nghiệp phải chuyển từ các mô hình công nghệ sang cơ cấu tổ chức với các nhóm linh hoạt, tích hợp mọi người theo chiều ngang và chiều dọc, từ việc tạo ra sản phẩm đến ra quyết định chiến lược. Trước sự phát triển của AI, người lao động cần phải có kiến thức sâu về một lĩnh vực hẹp.
Ngày nay, các nội dung cần phân tích sâu có thể được đảm đương bởi AI. Để thúc đẩy sự đổi mới và khả năng thích ứng, các doanh nghiệp cần chuyển từ hệ thống phân cấp cứng nhắc sang cấu trúc linh hoạt, nhanh nhẹn và phẳng hơn.
Các công ty như Google, Haier và Zappos là những ví dụ điển hình về sự khác biệt trong cấu trúc tổ chức, họ tổ chức thành các nhóm làm việc có tính đồng đều và tính linh hoạt cao. Cấu trúc tổ chức này giống như một sân chơi dành cho những người thông minh, tài năng để tạo ra các sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm. Nhân viên có vai trò linh hoạt trong các nhóm chức năng chéo xung quanh các vấn đề, thay vì chỉ có vai trò và trách nhiệm cá nhân cố định như trước kia. Các đội này hình thành một cách tự phát khi có vấn đề, sau đó giải thể khi công việc hoàn thành. Điều này giúp phân bổ lại nguồn nhân lực khi cần thiết.
Một trong những thử thách mà các nhà quản trị phải đối mặt khi triển khai AI đó là thuyết phục mọi người tin vào công nghệ. Mặc dù một số doanh nghiệp đã tích hợp AI, nhưng các nhà quản lý vẫn tuân theo thói quen ra quyết định cũ, bỏ qua hoàn toàn dữ liệu được cung cấp bởi các thuật toán. Do đó, hành vi của con người là trung tâm để triển khai AI thành công.
Để xây dựng niềm tin vào AI, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải truyền đạt tầm nhìn của họ một cách rõ ràng, giải thích mục tiêu, những thay đổi cần thiết, lộ trình và cách thức triển khai. Ngoài giao tiếp, các nhà lãnh đạo còn giúp đội ngũ nhân viên của họ bớt lo sợ về AI bằng cách sắp xếp các chuyến thăm đến các công ty khác đã trải qua quá trình chuyển đổi tương tự để họ có thể tận mắt chứng kiến cách công nghệ đã được sử dụng như thế nào?.
Để việc triển khai hệ thống AI vào trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thành công, các nhà lãnh đạo cần phối hợp nhịp nhàng trên tất cả các lĩnh vực của công ty. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần định hướng trở thành một tổ chức lấy con người làm trung tâm, được vận hành và hỗ trợ bởi công nghệ AI. Để đạt được điều này, các nhà quản trị và nhân viên ở mọi cấp độ phải có tư duy hệ thống, hiểu cách công việc đang được thực hiện kết hợp với công việc của những người khác ở nơi khác trong tổ chức, cách nó đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tác động của nó đến chiến lược và tài chính của công ty. Đó là những điều cần thiết mà các nhà lãnh đạo cần làm để phát huy được hết sức mạnh của AI, góp phần mang lại lợi thế cạnh tranh bền vững cho tổ chức.