"Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/Mai Châu mùa em thơm nếp xôi..." - Trong một ngày đầu xuân vùng Tây Bắc lạnh buốt đến tê người như thế này, hai câu thơ đọc lên nghe sao mà ấm áp.
Mai Châu bây giờ đã thành một điểm du lịch nổi tiếng. Khách đến được ngủ nhà sàn, ăn cơm lam trong những bản dân tộc tên đọc trẹo cả hàm như là bản Pom Coọng.
Giáp với Mai Châu là Mộc Châu, Mộc Châu của “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy”. Đường lên cao nguyên Mộc Châu mùa này lúc nào cũng mờ sương. Những cơn gió mùa đông bắc mang hơi nước từ biển đập vào dãy núi cao Mộc Châu tạo thành chỗ này những ngọn đèo mịt mù sương gió.
Nói đến Trung đoàn 52 chắc không mấy người biết, nhưng là Tây Tiến thì hẳn ai cũng từng nghe danh. Tôi cũng vậy, cho đến ngày hôm nay, tôi đến Mộc Châu, thăm bia kỉ niệm Trung đoàn 52, Tây Tiến. Tấm bia trên đồi cao, một mặt khắc bức thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Trung đoàn 52, và mặt kia:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa...
Dòng sông Mã từ phía Nam tỉnh Điện Biên chảy qua những rặng núi cao huyện Điện Biên Đông. Ở những vùng núi cao như thế là bản người Mông. Người Mông ăn Tết rất dài, có đến cả tháng. Các chàng trai, cô gái trẻ áo mới tinh sặc sỡ váy nhiều tầng, ném pao trên bãi đất rộng đỉnh núi đầy sương như là câu hát trong Vợ chồng A Phủ thủa nào.
Cũng là trai gái giao duyên như ném pao, người Thái có ném còn. Quả pao của người Mông thì tròn, có đuôi dài là quả còn của người Thái. Dọc theo bờ sông Mã có nhiều bản người Thái. Con sông Mã mùa xuân phía đầu nguồn này dịu dàng và mềm mại như một cô gái Thái tóc dài mảnh mai, váy tha thướt ôm phủ kín gót chân, mượt mà như khúc Tình ca Tây Bắc: “Em là dòng sông Mã...”.
Đầu xuân người Thái làm lễ Xêu Bản, Xêu Mường, mọi người múa xòe để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, bản mường mạnh khỏe. Tôi vừa dừng xe, các cô gái Thái đã ùa đến rót chén rượu mời và kéo tôi lên múa xòe, vui cùng bản mường.
Tôi lại tiếp tục xuôi theo dòng sông Mã. Đồng hành với tôi là tiếng chiêng, tiếng trống giai điệu múa xòe của những bản làng bên kia sông văng vẳng vọng tới.
Tôi đến Mường Luân trời đã tối. Ngọn tháp cổ Mường Luân đứng im lìm bên dòng sông. Trên căn nhà sàn rộng Nhà văn hóa xã, thanh niên trong bản nhảy múa mừng xuân tưng bừng. Chàng trai trẻ Lò Văn Ấn mời tôi ngủ lại nhà đêm nay. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi còn biết Ấn phủ lên người tôi thêm một tấm chăn, đêm miền núi cao rất giá lạnh.
Bữa sáng của tôi có thịt trâu sấy, cơm nếp nương và một thanh niên có đôi mắt liếc ngang rất đặc trưng người Lào. Nghe giới thiệu cậu là người giao thư báo liên xã. “Đồng chí giao thông huyện” trong truyện ngắn Rẻo cao của Nguyên Ngọc đây sao? Những hình ảnh trong trẻo của núi rừng Tây Bắc trong truyện lại hiện về trước mắt tôi. “Hễ cứ đến mùa xuân, khi những sườn núi lẫn trong sương mai trắng xóa bắt đầu nở những đóa hoa màu tím nhạt, thì y như rằng hoa tím lại giữ chân đồng chí giao thông huyện ở dọc đường”.
Đồng chí “giao thông huyện” Mường Luân nói: “Vất vả lắm anh ạ. Đường vào các xã toàn núi cao, đi một mình còn khó, lại còn phải thêm 2 thùng thư báo to nữa sau lưng. Mùa xuân nhiều mưa, đường lầy lội, xe vừa đi vừa đẩy. Những lần mệt quá phải ngồi nghỉ, chỉ mong sao có một phóng viên ở đấy, chụp một bức ảnh đưa lên để người ta về làm đường cho đỡ khổ”.
Trải theo bờ dòng sông Mã là những ruộng bậc thang lúa xanh mơn mởn chạy về đến tận cửa khẩu Chiềng Khương, sông Mã chảy sang Lào. Sang đất Lào, sông Mã trở thành Nậm Mã. Nậm tiếng Lào nghĩa là Nước, cũng có nghĩa là sông. Nậm Mã chạy trên nước Lào hơn 100km rồi trở về nước Việt. Ở đó là Mường Lát, Mường Lát của:
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Đây là huyện vùng cao biên giới tỉnh Thanh Hóa. Với nhiệm vụ triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh ở 5 xã biên giới, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 đóng quân ở đây. Doanh trại nằm bên bờ sông Mã ngay gần biên giới Việt Lào. Thết đãi tôi là một bữa tối thịnh soạn có đĩa thịt gà to.
- Ấy... hôm nay là Tết nên mới có món này thôi nhé - Trung tá Lâm vội chỉ vào đĩa thịt gà - Chứ ngày thường ở đây chỉ có món này, món này, món này thôi.
Ở đây tửu lượng ai cũng rất cao. Đi dân vận với bà con dân tộc, không uống rượu sẽ bị kêu “cán bộ không thật cái bụng nha”, thế nên dần dần tửu lượng ai cũng phải lên cao hết.
Cầm chén rượu lên, anh Lâm nói với tôi:
- Bọn anh ở đây có khác gì quan trấn ải thời xưa. Miền biên ải toàn rừng thiêng nước độc. Ngày Tết thế này, trong khi người ta quây quần bên mâm cơm với gia đình, thì bọn anh vẫn cứ một thân một mình nơi đây.
8h tối, mọi người ai rút về phòng nấy, cả doanh trại im lặng như tờ. Hôm nay trời quang, tôi không được nhìn thấy Mường Lát hoa về trong đêm hơi. Tôi bật tivi, ABBA hát Happy New Year vẫn vô cùng rộn rã. Giờ này ở Hà Nội mọi người mới bắt đầu đi chơi, còn ở đây ngày Tết đã kết thúc lúc 8 giờ.
Trên đường lên Tây Tiến, tôi đã ném pao với người Mông, đã múa xòe với người Thái, đã đọc những hồn thơ lãng mạn của Quang Dũng trên cao nguyên Mộc Châu đầy sương. Tôi đã gặp những con người ở rẻo cao, đã đón năm mới cùng “quan trấn ải” miền biên Mường Lát. Bây giờ ai có hỏi: “Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy?”. Tôi sẽ lập tức mà tự hào: “Tôi”.