Đó là khả năng hiểu và sử dụng AI một cách đúng đắn. Đây giống như kỹ năng đọc viết cơ bản thời đại mới, giúp con người biết dùng AI thế nào là đúng/sai.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã xuất hiện và đang tác động một cách khủng khiếp đến cuộc sống hằng ngày của cả thế giới. Tại hội thảo “Giáo dục thông minh cho xã hội thông minh: Nền tảng phát triển cho thành phố thông minh”, PGS TS Hoàng Hữu Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số – đánh giá, sự bùng nổ đột ngột của AI, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang loay hoay với chuyển đổi số, đòi hỏi một tầm nhìn rõ ràng từ lãnh đạo để có thể ứng phó.
Đối với ông Hạnh, AI không chỉ là một công cụ kỹ thuật, mà nó đang làm thay đổi căn bản nhiều lĩnh vực. Tác động của AI diễn ra trên diện rộng, chạm đến mọi vấn đề. AI mở ra vô số lợi ích và cơ hội trong lĩnh vực giáo dục và cuộc sống.
Đơn cử như một trong những ứng dụng rõ rệt và hiệu quả nhất là việc hỗ trợ chấm bài, đặc biệt là các bài luận tiếng Anh. Các trung tâm luyện thi đang sử dụng AI rất nhiều để tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể, bởi vì việc thuê giáo viên chấm bài luận rất tốn kém. Đáng chú ý, các hệ thống AI thậm chí có thể chấm bài chặt chẽ và logic hơn giáo viên, dựa trên nguyên tắc cấu trúc và ngữ pháp.
Lợi ích quan trọng khác mà AI mang lại là khả năng cá nhân hóa giáo dục (personalized learning). Dựa trên dữ liệu học tập của sinh viên, AI có thể đưa ra các khuyến nghị phù hợp với cách học tập của từng người, một điều cực kỳ cần thiết để cải thiện hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam vốn còn theo mô hình "đường ống".
AI còn đóng vai trò như một người trợ lý đắc lực, giúp giảm tải công việc cho giáo viên và những người làm công tác quản lý. Một việc mà trước đây có thể mất cả tuần để hoàn thành, nay với sự hỗ trợ của AI chỉ còn khoảng 10 phút. AI có khả năng tổng hợp nội dung, tạo slide, thậm chí tạo podcast từ văn bản và kịch bản, hỗ trợ việc học tập liên tục. AI cung cấp một cái nhìn đa chiều và đa dạng hơn cho việc học tập.
Tuy nhiên, ông Hạnh cho biết, việc áp dụng AI cũng đi kèm với nhiều hạn chế và lo ngại cần được nhìn nhận rõ ràng. Hiện tại, Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng để đưa AI vào trường học một cách rộng rãi, đặc biệt là ở giáo dục phổ thông.
Một vấn đề cốt lõi là AI hoạt động dựa trên dữ liệu huấn luyện, điều này tiềm ẩn thiên kiến về dữ liệu (data bias). Dữ liệu huấn luyện, đặc biệt là từ ngữ cảnh và văn hóa Việt Nam, còn rất hạn chế. Các mô hình AI miễn phí thường gặp phải hiện tượng "ảo giác thông tin" (hallucination), tức là tạo ra thông tin sai lệch nhưng nghe rất như thật.
Bên cạnh đó, những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu cá nhân cũng rất lớn. Cần có sự minh bạch hóa (explainable AI) quá trình AI đưa ra kết quả, tránh mô hình "hộp đen" không thể giải thích.
Việc người dùng dễ dàng chấp nhận kết quả từ AI mà không phân tích, phản biện có thể làm suy giảm tư duy phê phán (critical thinking), một kỹ năng cực kỳ quan trọng của con người. Bên cạnh đó, AI không thể thay thế hoàn toàn sự tương tác giữa người với người hay yếu tố cảm xúc.
Ngoài ra còn có lo ngại AI có thể làm xóa mờ đa dạng văn hóa khi truyền bá văn hóa ngoại hoặc bị lạm dụng để thao túng dư luận. Nếu không sử dụng khéo léo, chúng ta có thể trở nên phụ thuộc ("ngáo AI") hoặc đối mặt với nguy cơ bị “đô hộ số” (digital colonization).
Trong bối cảnh đó, việc trang bị những kỹ năng cần thiết cho con người trở nên cấp bách. Ông Hạnh cho rằng cần phải trang bị ngay kiến thức gọi là “AI Literacy” (tạm dịch: Học vấn về AI), tức là khả năng hiểu và sử dụng AI một cách đúng đắn. Đây giống như kỹ năng đọc viết cơ bản trong thời đại mới, giúp con người biết dùng AI thế nào là sai, thế nào là đúng.
Thứ hai là cần củng cố tư duy phê phán (critical thinking). Khả năng phân tích, đặt câu hỏi và phản biện là điểm ưu việt của con người mà AI không thể thay thế.
Theo ông Hạnh, đối với Việt Nam, việc đối diện với AI mang lại cả thách thức và cơ hội. Cơ hội lớn nằm ở việc chúng ta có những lợi thế riêng mà không ai có thể đánh bại, đó là dữ liệu, nguyên tắc và văn hóa của Việt Nam. Mặc dù công nghệ AI có thể là của nước ngoài, nhưng dữ liệu huấn luyện mang bản sắc Việt, các nguyên tắc áp dụng và nền văn hóa độc đáo là của người Việt. Đây là nền tảng để phát triển các hệ thống AI phù hợp với ngữ cảnh Việt Nam.
Áp dụng AI là một hành trình khó khăn. Tuy nhiên, ông Hanh cho rằng phải coi “chuyển đổi AI” là bắt buộc, là một phần của chuyển đổi số. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về chính sách, hạ tầng, và đặc biệt là con người với những kỹ năng cần thiết sẽ là chìa khóa để Việt Nam khai thác hiệu quả lợi ích của AI, đồng thời đối phó với những rủi ro tiềm ẩn, đảm bảo AI là công cụ phục vụ con người và xã hội Việt Nam.