Việt Nam đang tiến đến xây dựng Hệ sinh thái giáo dục Trí tuệ nhân tạo, với mục tiêu cung cấp đủ nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số của đất nước trong thời đại mới.
Trong những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ thông tin và sự phát triển vượt bậc khả năng lưu trữ, tính toán của các thiết bị điện tử, ngành khoa học nghiên cứu - ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được tất cả các nước, bao gồm cả Việt Nam, rất xem trọng vì tiềm năng to lớn của nó trong việc đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế – xã hội.
Trí tuệ nhân tạo đang trở thành chiến lược toàn cầu trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các cường quốc như Mỹ, Nga, Đức, Trung Quốc đã chi hàng tỉ USD để đầu tư phát triển lĩnh vực này. Song song với việc chạy đua phát triển công nghệ AI tại các nước, giáo dục AI cũng đã dần trở thành xu hướng toàn cầu.
Trong xu thế phát triển chung của các nước, Việt Nam và cụ thể là TP. HCM, đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái Trí tuệ Nhân tạo, mà trong đó hệ sinh thái giáo dục AI là một thành tố quan trọng, giúp cung cấp nguồn nhân lực công nghệ cao trình độ cao về Trí tuệ nhân tạo, góp phần đẩy nhanh sự phát triển AI của đất nước và đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trước tình hình đó, Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc Gia TP.HCM (ITP) đã thành lập “Chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robots” (AIC). Mục tiêu của AIC là nghiên cứu, tìm hiểu các chương trình giáo dục AI tiên tiến trên thế giới; sau đó tiến hành chọn lọc theo các tiêu chuẩn gắt gao để mang về Việt Nam một chương trình phù hợp.
AIC sẽ chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng quy trình Việt hoá bộ giáo trình và tìm các đơn vị uy tín để thẩm định chất lượng bản thảo bộ giáo trình trước khi xuất bản. Ở giai đoạn triển khai chương trình, AIC sẽ là đơn vị tiên phong triển khai, tạo điều kiện để các trường, phụ huynh, học sinh trải nghiệm chương trình, và sẽ là đơn vị hỗ trợ chuyên môn cũng như kiểm soát chất lượng khi các trường có mong muốn đem chương trình về áp dụng.
Theo bà Võ Thị Trúc Quỳnh - Giám đốc AIC, để được tuyển chọn, chương trình phải đáp ứng được 6 tiêu chí sau:
Một là: Tính quốc tế: được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.
Hai là: Tính phát triển: được cập nhật và phát triển thường xuyên (do đặc thù của AI – Robotics là công nghệ liên tục thay đổi nên giáo trình phải đảm bảo tính cập nhật, tránh bị lỗi thời).
Ba là: Tính toàn diện: được đặt trong hệ sinh thái hoàn thiện bao gồm, sách hướng dẫn học tập (sách học sinh, sách giáo viên), giáo cụ, chương trình đào tạo giáo viên, nguồn tài nguyên, tài liệu tham khảo phong phú, các hoạt động tăng cường và truyền cảm hứng để học sinh có cơ hội để thực hành, giao lưu (các cuộc thi cấp trường – thành phố - quốc gia – quốc tế).
Bốn là: Tính hệ thống: lộ trình học tập và mục tiêu đầu ra được thiết kế rõ ràng, độ phủ của chương trình rộng, từ Lớp 1 đến Lớp 12 hoặc từ Mầm non 4 tuổi đến Đại học và sau Đại học.
Năm là: Tính kinh tế: Chi phí trang bị giáo cụ không quá cao, đảm bảo tính hợp lý để nhiều trường có thể trang bị được.
Sáu là: Tính tương hợp: phù hợp với giáo dục Việt Nam, dễ triển khai, sẵn sàng để sử dụng ngay, tập huấn đơn giản thay vì đòi hỏi phải đào tạo giáo viên lại từ đầu.
“Hiện nay, AIC đã chọn được một chương trình giáo dục AI – Robotics đáp ứng các tiêu chuẩn trên và chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn Việt hoá bộ giáo trình. Dự kiến bộ giáo trình sẽ được thẩm định bởi Hội đồng thẩm định Đại học Quốc gia TP.HCM trong tháng 1 và sẽ ra mắt trong năm 2021, sau khi được chuẩn bị chỉnh chu và hoàn thiện”. Bà Trúc Quỳnh chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Trí tuệ nhân tạo được ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày như thế nào?
07:01, 16/12/2020
Zalo AI mang trí tuệ nhân tạo đến gần người Việt
20:50, 04/12/2020
Nỗ lực đưa Trí tuệ Nhân tạo vào thực tế cuộc sống của lập trình viên Việt Nam
12:04, 04/11/2020
IPPG tài trợ 30 tỷ đồng cho Chương trình Đào tạo Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot
11:22, 13/10/2020