Trong suốt chiều dài lịch sử, nhân dân ta kế thừa, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hoá và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển.
Trong một bài tiểu luận công bố đã lâu, tôi có viết về sự đa tài của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Một điều thú vị là sự quan tâm của họ đối với âm nhạc.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Trãi từng được vua Lê giao cùng với Lương Đăng “làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa” . Quan niệm về âm nhạc của Nguyễn Trãi gắn liền với quan điểm nhân văn của ông về thuật trị nước.
Ông dâng biểu, tâu lên nhà vua: “Kể ra, thời loạn dụng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì thì không đứng được, không có văn thì không hành được. Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoản thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân dân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Thật tiếc là nhà vua không hiểu được Nguyễn Trãi mà lại nghe theo Lương Đăng, người chủ trương học theo Trung Hoa, nên Nguyễn Trãi xin rút. Ngô Sĩ Liên viết: “Đại khái quy chế do Đăng và do Trãi định nhiều chỗ không hợp nhau, lời bàn về nhạc khí lớn nhỏ nặng nhẹ nhiều điều trái nhau, mà tấu cũng không giống nhau, vì thế mà Trãi từ việc. Vua nghe lời nghị của Đăng, rồi làm theo”.
Hồ Chí Minh là người đầu tiên dịch bài hát L'Internationale (Quốc tế ca) ra tiếng Việt. Chúng ta cũng biết rằng đích thân Hồ Chí Minh đã chọn bài “Tiến quân ca” của Văn Cao để trình Quốc dân Đại hội Tân Trào sau khi nghe nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trình ba bài hát: “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi), “Chiến sĩ Việt Minh” và “Tiến quân ca” (cùng của Văn Cao). Theo ông, bài “Tiến quân ca” của Văn Cao là phù hợp hơn cả để trở thành Quốc ca, vì vừa ngắn gọn, hùng tráng, vừa dễ hát và dễ phổ biến. Sự lựa chọn của ông thật chính xác, cho thấy một trình độ đánh giá và thưởng thức âm nhạc tinh tế.
Nhưng Hồ Chí Minh có bao giờ trình diễn hay sáng tác âm nhạc hay không?
Theo các tác giả Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Hồ Chí Minh còn sáng tác nhiều bài hát dựa trên các làn điệu dân ca như Ca binh lính (1941), Ca đội tự vệ, Bài ca du kích (1942) . Tờ báo Việt Nam độc lập, số 117, ra ngày 1-2-1942, đăng bài hát Ca đội tự vệ. Nguyên văn bài hát như sau:
CA ĐỘI TỰ VỆ
I.
Gươm dao ta
Đem mài đi
Mài cho bén
Mài cho sắc
Nhật ta đâm
Tây ta chặt.
II.
Sắp hàng ra
Xung phong lên!
người ta đông.
Sức ta bền
Việc giải phóng
Nhất định nên.
Chúng ta không có bản nhạc, nhưng có lẽ đây là lời cho một bài dân ca. Tác giả hướng dẫn cách hát rất cụ thể như sau: “Chia người làm 2 tổ, 4 câu trên, tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ thì phụ nữ là tổ A); tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN phải hát dài như BE-ÉN, SA-ẮC, Đ-ÔNG, BỀ-ỀN. Hai câu sau cùng thì cả tổ đều hát với nhau. Chữ CHẶT và NÊN phải hát rất mạnh. Ví dụ: Tổ A hát: Gươm dao ta. Tổ B hát: Gươm dào tà” .
Sẽ thật thú vị nếu chúng ta biết được, những bài hát kháng chiến của Hồ Chí Minh có được dàn dựng và trình bày trên thực tế hay không.
Hồ Chí Minh quan tâm đến âm nhạc từ bao giờ, chúng ta không biết rõ. Điều chắc chắn là trong thời gian ở Pháp, ông tham gia rất thường xuyên các hoạt động của Câu lạc bộ Faubourg (Club du Faubourg), nơi tập hợp rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ nổi tiếng của Paris thời đó. Điều này được Trần Dân Tiên kể lại sơ lược trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, và được kể chi tiết hơn nhiều trong hồi ký của Léo Poldes, người sáng lập và Chủ tịch câu lạc bộ. Gần đây, nhà sử học Pháp Alain Ruscio phát hiện nhiều hoạt động nghệ thuật của Hồ Chí Minh, trong đó có những hoạt động liên quan đến âm nhac. Chẳng hạn, một thông báo trên tờ L’Humanité (Nhân đạo) ra ngày 27 tháng 6 năm 1922 có nội dung như sau: “Saint-Denis. Demain à 20h30, salle du théatre municipal. Grande soirée artistique au bénéfice de la Russie affamée. Conférence par le camarade Léo Poldès sur ‘Le Communisme et l’Art’. Audition d’oeuvres de G. Pioch, Bourdon, Nguyen Ai Quac et Poldès” . (Saint-Denis. Ngày mai vào lúc 20h30, tại sảnh nhà hát khu phố. Đêm nghệ thuật lớn giúp chống nạn đói ở nước Nga. Thuyết trình của đồng chí Léo Poldes về chủ đề “Chủ nghĩa cộng sản và Nghệ thuật”. Thưởng thức các tác phẩm của G. Pioch, Bourdon, Nguyễn Ái Quốc và Poldès).
Thật tiếc là chúng ta không biết gì thêm về buổi trình diễn.
Hồ Chí Minh còn giữ suốt đời tình yêu của ông với âm nhạc. Alain Ruscio viết: “[…] khi đã trở thành Chủ tịch nước trong giai đoạn cuối đời, ông vẫn hay hỏi về số phận về sau của ngôi sao này hay ngôi sao khác của music-hall: ‘Nữ ca sĩ thính phòng ấy về sau ra sao? Cô ấy từng thành công vang dội ở Paris. Giọng cô ấy không quá xuất sắc… nhưng những bài cô ấy hát ai cũng thích nghe” . Đó là câu Hồ Chí Minh hỏi Alice Kahn, khi đó đang công tác tại Hà Nội, về Mistinguett (Nghệ danh của Jeanne Florentine Bourgeois, nữ diễn viên và danh ca Pháp). Cũng theo Alain Ruscio, trong một cuộc nói chuyện với nhà báo Pháp Madelaine Riffaud, Hồ Chí Minh nhờ tìm hộ một đĩa nhạc của Maurice Chevalier.
Tôi nhìn tấm ảnh Hồ Chí Minh cầm đũa chỉ huy bắt nhịp bài hát Kết đoàn và bức ảnh Người chơi đàn guitar, với những ngón tay mềm mại, giữa các đại biểu trong và ngoài nước – thật đẹp và thật tự nhiên - chợt nghĩ: Quả thực, cuộc đời và sự nghiệp của các vĩ nhân luôn luôn khiến ta phải bất ngờ.
Có thể bạn quan tâm
09:35, 24/01/2022
04:10, 20/11/2021
04:10, 18/12/2021
04:40, 03/01/2022
05:15, 28/10/2021