Người Việt Nam hãnh diện về văn hóa áo dài truyền thống, được trang trọng nâng lên ngôi vị Quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn với cụm từ “Chiếc áo dài quê hương”.
Những ngày qua, một loạt hình ảnh liên quan tới bộ sưu tập được gọi là “cách tân” những kiểu áo dài của thương hiệu thời trang Ne-Tiger (Trung Quốc) từng công bố năm ngoái trở lại thành một đề tài gây tranh cãi rất nhiều không chỉ trên mạng xã hội xã hội nói riêng, mà còn tạo sóng cho dư luận cả nước nói chung.
Theo đó, trong Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh khai mạc ngày 25/10/2018, Ne-Tiger đã công bố nhiều bộ sưu tập thời trang của họ, trong đó có những mẫu thiết kế gây bức xúc với người Việt vì nó cho thấy sự sao chép áo dài truyền thống Việt Nam, nhưng lại được giới thiệu là “sự sáng tạo” của nhà thiết kế.
Đáng nói hơn, tờ China Daily phiên bản tiếng Anh đề cập đến loạt thiết kế này với tiêu đề: Chinese style delights China S/S Fashion Week (tạm dịch: Phong cách Trung Quốc làm mê mẩn Tuần lễ thời trang Xuân - Hè). Cụm từ “Chinese style” (Phong cách Trung Quốc) khiến không ít người Việt phẫn nộ vì trang báo trên mặc định những trang phục này đều là phong cách của Trung Quốc.
Khách quan mà nói, trong kỷ nguyên kỷ thuật số, ngành thời trang đã không còn xa lạ với những cuộc tranh luận xoay quanh việc “chiếm dụng văn hóa”. Bởi các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ khắp nơi, nhào nặn chúng và cho ra những sản phẩm ngày càng mang đậm tính thương mại. Việc biến những giá trị văn hóa thành hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên nó cũng đặt ra một một câu hỏi, đây là vay mượn làm mới thiết kế hay ăn cắp những sáng tạo đã có?
Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục cá biệt, khi nhìn cách phục sức của họ, chúng ta nhận biết họ thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có chiếc áo Kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải mà quí bà quí cô thường gọi là áo “xường xám”, v.v. Người Việt Nam hãnh diện về văn hóa áo dài truyền thống, được trang trọng nâng lên ngôi vị Quốc phục, cũng có người gọi một cách hoa mỹ hơn với cụm từ “Chiếc áo dài quê hương”.
Trường hợp này, người ta (nhà thiết kế của Ne-Tiger) sẵn sàng lấy những thứ không thuộc về mình và nhận những thứ không xứng đáng được nhận. Nếu thực sự có hiểu biết và có giáo dục thì khi làm gì sai con người sẽ tự vấn lương tâm ghê gớm; tự cảm thấy xấu hổ ghê gớm. Đáng nói ở chỗ, những việc tương tự như thế lại được nhà cầm quyền nước này cổ súy, biểu dương.
Việc này lại dẫn cho chúng ta thấy một góc nhìn khác đó là vấn đề luật pháp cũng là yếu tố quan trọng không kém khiến tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ của một quốc gia trở nên bi đát. Thường thì luật pháp có khá đủ, nhưng công tác thực thi và bảo vệ pháp luật còn nhiều hạn chế. Nhưng cũng cần hiểu rằng, 99% thành công của việc bảo vệ sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân và của cả toàn dân.
Đại văn hào Nga Lev Tolstoy đã có câu nói nổi tiếng, đại ý một quốc gia dù có hệ thống pháp luật hoàn thiện đến mấy đi chăng nữa, cũng chỉ có thể điều chỉnh 1% các mối quan hệ xã hội mà thôi, 99% các mối quan hệ xã hội còn lại được điều chỉnh bằng “luân thường đạo lý” của xã hội của quốc gia đó.
Để khách quan hơn, xin dẫn ra quan điểm một nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha nhiều năm sống và làm việc tại Việt Nam, rằng: “Việc nhà thiết kế Trung Quốc nhận bộ sưu tập đó là sáng tạo của họ thực sự là điều đặc biệt đáng tiếc cho chính họ. Rõ ràng đây là sự chiếm đoạt văn hóa với áo dài và nón lá của Việt Nam. Nhà thiết kế người Trung Quốc này sẽ chẳng nhận được bất kỳ thành công nào khi cố gắng chiếm lấy áo dài thành sản phẩm sáng tạo của Trung Quốc, bởi cả thế giới đều biết mối quan hệ giữa Việt Nam và áo dài”.
Như vậy, cả thế giới đã biết áo dài và nón lá là của Việt Nam rồi. Bây giờ người Trung Quốc nhận vơ áo dài và nón lá thuộc về phong cách nước họ, há chẳng phải tự người Trung Quốc tự công khai thừa nhận cái gọi là “văn hoá chuyên đi ăn cắp và nói bậy”. Thế thì thật đáng lo ngại cho cái “luân thường đạo lý” trong lòng xã hội của Trung Quốc nhỉ?
Xin nhắc lại rằng, gần trăm năm Pháp đô hộ (từ khi tiếng súng bắt đầu nổ năm 1858 ở Đà Nẵng cho đến khi Pháp trao trả quyền tự trị cho Việt Nam vào năm 1949). Hơn một nghìn năm chịu ách thống trị của phương Bắc, áo dài đã được tiếp xúc với cả hai nền văn hóa mạnh mẽ phương Đông và phương Tây.
Vượt qua hàng ngàn sóng gió, vượt qua hàng nghìn thử thách, áo dài hiên ngang trở thành Quốc phục, trở thành bản sắc văn hóa Việt Nam. Một biểu tượng của người phụ nữ, của những người con gái Việt cũng như niềm kiêu hãnh của đất nước.
Và dù cho thời gian có thay đổi thế nào, các trang phục khác được du nhập vào nước ngày một đẹp hơn đến mấy thì áo dài vẫn là một biểu tượng đẹp, gắn với hình ảnh dịu dàng, đắm thắm của người phụ nữ Việt.
Thế mới nói, những ý tưởng, mẫu thiết kế “áo dài cùng những phụ kiện đi kèm” mà thương hiệu thời trang Ne-Tiger trình diễn ở Tuần lễ thời trang xuân hè 2019 tại Bắc Kinh được người Trung nói chung gọi là phong cách Trung Quốc, suy cho cùng người Trung đang ăn cắp văn hóa của người Việt một cách tráo trở nhất.