Tại cuộc họp mới đây, Chính phủ đã thống nhất tên gọi Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, với chức năng phát triển nhà xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi.
Đây là quỹ ngoài ngân sách do Nhà nước thành lập, không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách. Nguồn vốn dự kiến huy động từ nhiều nơi như ngân sách nhà nước ; đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư trong và ngoài nước, của tổ chức, cá nhân; nguồn thu từ quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà thương mại và các nguồn hợp pháp khác.
Trao đổi với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kỳ vọng sẽ có những thiết kế phù hợp với nguồn lực tài chính trong nước, quốc tế để bảo đảm hiệu quả lâu dài, bền vững.
- Việc xây dựng Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ tác động ra sao đến Chiến lược phát triển nhà ở, thưa ông?
Sự khan hiếm quỹ đất tại các đô thị lớn cùng giá bán liên tục tăng đã khiến phân khúc nhà ở giá rẻ dần biến mất. Điều này làm gia tăng khoảng cách giữa nhu cầu thực tế và khả năng chi trả của đa số người dân.
Nhiều năm qua, HoREA đã liên tục kiến nghị xây dựng một chiến lược phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền, đồng thời đẩy mạnh phân khúc nhà ở xã hội. Việc thành lập “Quỹ phát triển nhà ở quốc gia” là hết sức cần thiết và cấp bách, sẽ tạo được nguồn lực tài chính để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội gắn liền với phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp các hình thức giao thông TOD là nhân tố quyết định để xoay chuyển cục diện và cấu trúc lại thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Đồng thời đây cũng là công cụ giúp cho thị trường bất động sản giảm phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn tín dụng hiện nay tiềm ẩn rủi ro cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia với quy mô lớn hơn, sẽ không chỉ hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội mà còn nhằm mục đích thúc đẩy nguồn cung nhà ở có giá vừa túi tiền, thông qua các cơ chế phù hợp với từng loại hình. Điều quan trọng nhất là cách thức vận hành của quỹ sao cho đúng đối tượng và đúng mục đích.
- Trên nền tảng thực tiễn, làm cách nào để tạo khung điều phối tài chính thống nhất, tạo điều kiện hợp nhất các chính sách phân tán hiện nay về quỹ phát triển nhà ở, thưa ông?
Hiện Việt Nam có 2 Quỹ Phát triển nhà ở cấp tỉnh, đó là Quỹ Phát triển nhà ở thành phố Hà Nội và Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM với vốn điều lệ ban đầu của mỗi Quỹ là 1.000 tỷ đồng.
Riêng Quỹ Phát triển nhà ở TP HCM có tổng vốn thực tế lên đến 1.605 tỷ đồng theo kết quả kiểm toán năm 2023. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng đã thành lập Quỹ Phát triển nhà ở nằm trong Quỹ đầu tư phát triển của địa phương. Đây là kinh nghiệm thực tiễn về tạo hành lang pháp lý và cơ chế đặc thù để góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Ngoài ra Bộ Xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng đề án hoàn chỉnh phát triển nhà ở thương mại giá vừa túi tiền và cơ chế hỗ trợ người mua nhà đầu tiên tiếp cận được mức lãi suất thương mại hợp lý. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại tùy theo nguồn lực của mình có thể tham gia quỹ phát triển nhà ở quốc gia để hỗ trợ các chủ đầu tư phát triển loại nhà ở thương mại giá vừa túi tiền cũng như nhà ở xã hội, giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước.
- Ông có đề xuất nào về việc xây dựng cũng như quản lý hiệu quả nguồn vốn này?
Để Quỹ nhà ở phát triển hiệu quả và bền vững, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần huy động nguồn lực “khổng lồ” từ quỹ nhàn rỗi của các doanh nghiệp bất động sản, công ty bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí. Ngoài ra, sự tham gia của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức quốc tế không chỉ giúp mở rộng quy mô quỹ mà còn tạo đà phát triển cho các dự án nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, để làm được điều này cần có hành lang pháp lý rõ ràng cho việc thu hút và vận hành các nguồn vốn ngoài ngân sách. Khi thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, HoREA kỳ vọng Nhà nước sẽ có cơ chế để huy động hiệu quả cũng như quản lý minh bạch các nguồn lực này.
Tại thời điểm hiện nay, việc lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia với một hội đồng quản lý quỹ là rất cần thiết. Theo đó, vai trò chủ tịch hội đồng quản lý quỹ nên giao cho lãnh đạo Bộ Xây dựng để quản lý, vận hành quỹ.
Ngoài ra, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia nên hướng cơ chế cho vay mua nhà tới người trẻ với thời hạn vay đủ dài từ 15 năm đến 20 năm, lãi suất ở mức hợp lý. Các cơ chế, chính sách này không nên tạo ra các "bẫy" người mua nhà như một số ngân hàng thương mại tung các gói vay áp lãi suất ưu đãi 4,5-5% trong năm đầu, sau đó thả nổi theo thị trường. Lãi vay cần ổn định theo chu kỳ 5 năm và có kế hoạch điều chỉnh lãi vay cho những chu kỳ tiếp theo để người mua nhà chủ động kế hoạch tài chính.
- Trân trọng cảm ơn ông!