An sinh trong “bão dịch”: Chiến lược và thứ tự ưu tiên

Huyền Trang 17/04/2020 11:00

Trong khi thương mại và dịch vụ có thể chuyển dịch lên “online” thì những ngành sản xuất – gồm công nghiệp và nông nghiệp cần đảm bảo ổn định và có thể trở lại đáp ứng ngay khi có đơn hàng.

LTS: Theo số liệu Bộ LĐ-TB&XH, ước tính quý II/2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Đáng lo ngại hơn, hàng trăm nghìn lao động mất việc làm đang đăng kí rút BHXH một lần tạo áp lực về vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn tới. Đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ đưa ra các chính sách xử lí “khủng hoảng lao động” một cách kịp thời.

Cần xác lập đúng thứ tự ưu tiên cái gì là quan trọng nhất. Trong mọi vấn đề thì con người bao giờ cũng là quan trọng hơn cả. Đây là quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông khi nói về chiến lược vượt khủng hoảng COVID-19 và tính kế lâu dài.

Theo ông Đồng, trong khi thương mại và dịch vụ có thể chuyển dịch lên “online” thì những ngành sản xuất – gồm công nghiệp và nông nghiệp cần đảm bảo ổn định và có thể trở lại đáp ứng ngay khi có đơn hàng.

- Như vậy, theo ông, các doanh nghiệp sản xuất và lao động trong khu vực này nên là đối tượng cần nhận được sự ưu tiên?

Ngay sau đỉnh dịch, tôi nghĩ nên tập trung nguồn lực cao nhất đưa khu vực sản xuất trở lại sớm nhất có thể thông qua việc bảo vệ an toàn cho công nhân, cho người lao động tham gia vào sản xuất công nghiệp và nông nghiệp.

Hiện nay chúng ta đang hướng dẫn an toàn cho toàn dân nhưng chưa có hướng dẫn và thực thi cụ thể cho từng nhóm: nhóm sản xuất; nhóm dịch vụ. Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành nghề, chính quyền địa phương ra hướng dẫn và quy trình cụ thể để bảo vệ công nhân trong từng nhà máy lẫn khu trọ, cư xá công nhân, khu tâp trung đông công nhân.

Chính phủ có thể cho phép số lượng hạn chế, có kiểm soát là lực lượng chuyên gia, công nhân kỹ thuật cao từ nước ngoài trở lại để góp phần sản xuất bình thường thì cần làm sớm. Số lượng nhóm này không lớn, giám sát y tế hợp lý là khả thi để đảm bảo an toàn là làm được. Đây là thời điểm, Chính phủ có thể tạo dựng được một hình ảnh Việt Nam an toàn – trước hết là an toàn cho kinh doanh, an toàn cho sản xuất với lực lượng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài là một đóng góp không nhỏ cho thu hút đầu tư sắp tới.

Có thể bạn quan tâm

  • An sinh trong “bão dịch”: Tăng khả năng chống chịu của xã hội

    13:05, 16/04/2020

  • Chính phủ thông qua gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng

    09:44, 10/04/2020

  • [COVID-19] An dân - an sinh

    09:32, 01/04/2020

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thế giới biến động nhưng an sinh vẫn bảo đảm

    13:23, 07/01/2020

  • [COVID-19] Có một Chính phủ nhân văn, hết lòng vì dân...

    11:10, 02/04/2020

- Còn cụ thể đối với công nhân đặc biệt là các trường hợp bị dừng hợp đồng vì thiếu việc, gặp khó khăn vừa qua thì sao ?

Cần một sự hành động đồng bộ có sự điều phối giữa địa phương, ban quản lý các khu công nghiệp, công đoàn. Sẽ xảy ra tình trạng thừa, thiếu lao động cục bộ. Khu công nghiệp có thể phối hợp với địa phương tổ chức các chuyến xe đưa lao động đã trở về quê nhà trở lại khu công nghiệp. Tránh lao động phải đi xe khách cũng là giảm bớt nguy cơ. Công đoàn các nhà máy, liên đoàn lao động tại địa phương phối hợp với chính quyền địa phương có thể làm việc với chủ nhà trọ để vận động giảm chi phí tiền phòng cho công nhân – chia sẻ khó khăn chung lúc này.

Quỹ hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ quản lý bởi bộ Kế hoạch đầu tư; Quỹ đào tạo lao động quản lý bởi Bộ LĐTB-XH nên xem xét cho doanh nghiệp vay để đào tạo lại lao động.

Mỗi địa phương có khu công nghiệp hoặc khu sản xuất nên có một “đội đặc nhiệm” hay tổ công tác mời thêm đại diện khu công nghiệp; doanh nghiệp, hiệp hội, công đoàn, chuyên gia – để giúp lãnh đạo địa phương lập kế hoạch và điều phối nhịp nhàng.

- Từ phía các cơ quan quản lý nhà nước thực thi thủ tục hành chính, cần làm gì?

Tiếp nữa, các ngành gồm Hải quan, thuế, kiểm tra chuyên ngành – cần ưu tiên để rút gọn thủ tục; tăng cường hỗ trợ để giảm tối đa thời gian thông quan hàng hóa của doanh nghiêp làm xuất khẩu – nhập khẩu. Sau dịch, Chính phủ nên mạnh tay áp đặt một mức giảm thời gian làm thủ tục hành chính xuống còn 50% so với trước dịch riêng cho hàng hóa, dịch vụ phục vụ sản xuất.

Tinh thần "thời chiến" vẫn nên duy trì sau dịch để phục hồi sản xuất sau dịch. Sự nỗ lực đồng bộ như vậy sẽ làm "tan băng" sớm nhất cho nhóm ưu tiên số một này.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
An sinh trong “bão dịch”: Chiến lược và thứ tự ưu tiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO