Hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ… sẽ giúp tăng khả năng chống chọi xã hội trước đại dịch COVID-19.
LTS: Theo số liệu Bộ LĐ-TB&XH, ước tính quý II/2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc. Đáng lo ngại hơn, hàng trăm nghìn lao động mất việc làm đang đăng kí rút BHXH một lần tạo áp lực về vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn tới. Đây là thời điểm quan trọng để Chính phủ đưa ra các chính sách xử lí “khủng hoảng lao động” một cách kịp thời.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ… sẽ giúp tăng khả năng chống chọi xã hội trước đại dịch COVID – 19.
Đây là chia sẻ của TS LEE CHANG-HEE - Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam với DĐDN.
Theo TS Lee Chang-Hee, mặc dù, các khu vực nói trên không trực tiếp liên kết với các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhưng họ đang chịu sự ảnh hưởng rất lớn nhất từ việc cách li xã hội kéo theo hàng triệu lao động bị mất việc làm. Nghiên cứu của ILO cho thấy, các biện pháp phong tỏa một phần hay toàn diện hiện đang tác động tới 2,7 tỷ người lao động, chiếm khoảng 81% lực lượng lao động trên toàn thế giới.
- Với cương vị đại diện ILO tại Việt Nam, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Trước tiên tôi muốn nói, nhóm doanh nghiệp này không chỉ có vai trò cực kỳ quan trọng trong thời kỳ gia tăng khủng khoảng kinh tế do COVID-19, khi nhu cầu toàn cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng do sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong mô hình tăng trưởng dài hạn hậu COVID-19.
Cùng với các khu vực Quốc doanh, các doanh nghiệp siêu nhỏ, cơ sở kinh doanh gia đình và nông hộ chính là loại hình kinh tế đã hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ. Họ có thể cung cấp chỗ dừng chân tạm thời cho những người lao động bị mất việc, phải trở về quê nhà, với làng quê. Họ là nguồn lực truyền thống giúp xã hội có khả năng chống chịu, và không may thay, họ sẽ lại phải một lần nữa thể hiện vai trò truyền thống này trong thời kỳ đỉnh điểm của khủng hoảng do COVID-19 gây nên.
Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện.
Vấn đề ở đây là phạm vi và tốc độ khủng hoảng việc làm do đại dịch COVID-19 gây nên có thể lớn hơn rất nhiều so với khả năng gánh vác của hộ kinh doanh gia đình và nông hộ. Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ có tính mục tiêu thông qua các dạng thức khác nhau để người dân có thể vượt qua những thời điểm khó khăn nhất của khủng hoảng cho tới khi tình hình dần trở lại bình thường.
Nói đến vấn đề này, những hình thức “giãn cách xã hội” nghiêm ngặt có lẽ cần phải dần được nới lỏng để các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp siêu nhỏ và hộ gia đình có thể cung cấp nguồn sống cho con người, cho khả năng chống chịu và bình ổn. Tất nhiên, đó cần phải là “kinh doanh an toàn và lành mạnh” dưới sự chỉ dẫn rõ ràng về cách áp dụng giãn cách xã hội trong các hoạt động kinh doanh.
Về lâu dài, vấn đề quan trọng mang tính chiến lược là cần chính thức hóa các doanh nghiệp phi chính thức để mở rộng cơ sở tiêu dùng trong nước và hỗ trợ lĩnh vực dịch vụ trong nước. Một đất nước với gần 100 triệu dân cần xây dựng các thị trường nội địa thực chất do các doanh nghiệp trong nước dẫn dắt, đây là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để giúp nền kinh tế Việt Nam có khả năng chống chịu với những cú sốc bên ngoài.
Có thể bạn quan tâm
05:05, 13/04/2020
09:44, 10/04/2020
09:32, 01/04/2020
11:10, 02/04/2020
- Như ông đã nói, việc các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng bởi COVID đã kéo theo số lượng lớn lao động mất việc do khủng hoảng do COVID-19 gây nên. Theo ông, chúng ta cần phải làm gì trong bối cảnh hiện nay?
Chúng ta vẫn chưa biết được chính xác mức độ khủng hoảng việc làm do chưa có kết quả điều tra lao động việc làm mới nhất tại thời điểm này. Nhưng đã có những dấu hiệu không tốt như tôi đã đề cập, như dự báo hơn hai triệu lao động cả nước có nguy cơ bị ảnh hưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chắc chắn là chúng ta đang phải đối diện với một cuộc khủng hoảng việc làm lớn mà tất cả mọi thành phần, không chỉ có Chính phủ mà cả doanh nghiệp, công đoàn và người lao động, phải phối hợp với nhau để giảm thiểu những tác động do khủng hoảng gây nên.
Các doanh nghiệp khác nhau thì lại có những cái khó khác nhau. Có những doanh nghiệp không thể tồn tại được do năng suất và khả năng cạnh tranh thấp dù có xảy ra khủng hoảng do COVID-19 hay không. Nhưng cũng có những doanh nghiệp khỏe mạnh trong điều kiện bình thường và có thể tồn tại lâu nếu họ nhận được sự hỗ trợ khi khủng hoảng do COVID-19 tăng đỉnh điểm nhằm nút lại lỗ hổng về tiền mặt, nguyên liệu thô và sự sụt giảm đột ngột trong nhu cầu và đơn hàng.
Điều đó có nghĩa là hỗ trợ của Chính phủ cần nhắm tới các doanh nghiệp có triển vọng tích cực do họ hoạt động năng suất và đổi mới sáng tạo nhưng phải đối mặt với khủng hoảng tạm thời. Chính phủ nên đưa các doanh nghiệp này vào diện đối tượng mục tiêu của các gói hỗ trợ.
Chính phủ nên hướng sự hỗ trợ và các gói trợ giúp tới các doanh nghiệp nỗ lực nhất trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải. Làm như vậy sẽ khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hết mình trong việc giữ người lao động và giảm thiểu mức độ sa thải, từ đó làm chậm quá trình sa thải, giảm thiểu cú sốc đối với xã hội.
- Cùng với lời khuyên hướng tập trung ưu tiên nhóm doanh nghiệp nhỏ, ông có lời khuyên nào về một khung chính sách tổng thể và hiệu quả để Việt Nam đối phó với đại dịch không, thưa ông?
Tôi đánh giá cao việc Việt Nam đã bắt đầu đưa ra và triển khai các gói chính sách kích thích nề kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập. Tôi có ba điểm muốn nhấn mạnh.
Tôi có ba điểm muốn nhấn mạnh.
Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc – điều mà chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy. Nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.
Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động. Điều này sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm. Để làm được điều đó, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.
Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đó chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách xã hội, sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế.
Thứ ba, như tôi đã nói, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.
Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Cộng đồng quốc tế, trong đó có ILO, các tổ chức Liên Hợp Quốc luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn.
- Xin cảm ơn ông!