Là hệ điều hành di động phổ biến nhất hiện nay nhưng ít ai biết rằng Android thực chất được thiết kế để hoạt động trên máy ảnh kỹ thuật số.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tokyo (Nhật Bản) năm 2013, Andy Rubin, nhà đồng sáng lập Android cho biết vốn dĩ, đây là hệ điều hành dành cho máy ảnh kỹ thuật số.
Kế hoạch của đội ngũ phát triển là tạo ra nền tảng đám mây giúp lưu trữ hình ảnh và video. Qua đó, người dùng không cần sử dụng thẻ nhớ và có thể xem ảnh mọi lúc mọi nơi. Thậm chí, Rubin còn “khoe” các slide thuyết trình ý tưởng với nhà đầu tư vào năm 2004.
Do thị trường máy ảnh dần giảm sút, kế hoạch của nhóm phát triển Android bị bãi bỏ. 5 tháng sau, Andy Rubin và các đồng nghiệp chuyển hướng sang lĩnh vực điện thoại thông minh đầy tiềm năng. Cuối cùng sau nhiều thay đổi, hệ điều hành Android dành cho smartphone chính thức ra đời.
Khác với các đối thủ iOS và Symbian OS, Android là hệ điều hành mở, miễn phí. Nhưng để có thể đưa Android đến gần hơn với các nhà sản xuất, đội ngũ phát triển cần một đối tác lớn đứng ra phân phối và không ai khác chính là Google.
Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã mua lại hệ điều hành Android vào tháng 7/2005 với giá 50 triệu USD và thuê Andy Rubin làm phó chủ tịch cấp cao về nội dung số cho smartphone. Công ty đặt ra mục tiêu chiếm 5% thị phần ở Bắc Mỹ và châu Âu trong 5 năm đầu hoạt động.
Nhưng kết quả đã vượt qua sự mong đợi khi Android chiếm 24% thị phần Bắc Mỹ vào cuối năm 2010. Đến nay sau 15 năm hoạt động, Android là nền tảng di động cho hơn 80% thiết bị hoạt động toàn cầu.
Tập trung vào smartphone thay vì máy ảnh số thực sự là một quyết định đúng đắn của nhóm phát triển Android khi doanh số điện thoại thông minh tăng từ 122 triệu chiếc vào năm 2007 lên 1,5 tỷ chiếc vào năm 2019, theo công ty phân tích Statista.
Mặt khác, lĩnh vực máy ảnh số phát triển theo chiều hướng ngược lại khi doanh số giảm từ 100 triệu chiếc vào năm 2007 xuống còn 15 triệu chiếc vào 2019. Trong đó, đỉnh điểm là vào năm 2010, doanh số máy ảnh đạt 121 triệu chiếc trên toàn cầu.
Sẽ ra sao nếu Andy Rubin quyết định giữ kế hoạch ban đầu cho hệ điều hành Android. Có thể Google vẫn là một công ty tìm kiếm dữ liệu và Microsoft đã đạt được nhiều thành công với Windows Mobile. Thậm chí, Symbian OS có thể phát triển thành một hệ điều hành mở và Nokia vẫn là ông vua smartphone.
Qua đây, ta có thể rút ra bài học rằng một quyết định quan trọng có thể đi đến sự thành công hay thất bại của một công ty. Như tác giả Stephen R. Covey từng viết trong quyển The 7 Habits of Highly Effective People (tựa Việt: 7 thói quen của người thành đạt): “Mỗi nước đi sai lầm đều sẽ dẫn chúng ta đến thất bại nhanh hơn”.
May mắn thay, Andy Rubin đã chọn cho mình một nước đi đúng đắn khi quyết định tập trung xây dựng hệ điều hành di động thay vì dành cho máy ảnh. Từ đó Rubin trở thành tỷ phú và là cha đẻ của hệ điều hành Android danh tiếng.