Sau khi mua mảng bán lẻ của ANZ, mới đây Tập đoàn tài chính Shinhan vừa hoàn tất mua Công ty tài chính Prudential Việt Nam với giá ước tính gấp 5,52 lần vốn điều lệ cho thấy tham vọng lớn của tập đoàn Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam.
Tập đoàn Prudential công bố bán 100% mảng tài chính tiêu dùng tại Công ty TNHH MTV Tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) cho Công ty thẻ Shinhan (Shinhan Card), một công ty con thuộc Tập đoàn Tài chính Shinhan của Hàn Quốc với giá ước tính 151 triệu USD tương đương 3.420 tỷ đồng, gấp 5,52 lần mức vốn điều lệ 616,2 tỷ đồng.
Chi hơn 150 triệu USD mua PVFC
Nic Nicandrou, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Prudential Châu Á cho biết PVFC là một doanh nghiệp có chất lượng cao nhưng không phải là chiến lược của Prudential. Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn và quan trọng đối với Prudential, nơi mà lĩnh vực tài chính có chất lượng và nhu cầu bảo hiểm nhân thọ tăng cao. Prudential và Shinhan cũng đã có thỏa thuận về bảo hiểm liên kết ngân hàng dài hạn mới ở Việt Nam và Indonesia.
Ông cũng cho biết các hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam Prudential cam kết thực hiện đầy đủ thông qua Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và Công ty Quản lý Quỹ Eastspring Investments Fund Management Company.
Trước đó, vào tháng 4/2017, Shinhan cũng đã vượt qua ít nhất 4 đối thủ để trở thành đối tác mua lại mảng kinh doanh bán lẻ của ANZ tại Việt Nam. Đại diện ANZ cũng từng cho biết mảng bán lẻ của nhà băng này vốn đang hoạt động tốt và đánh giá cao sự phát triển thị trường Việt Nam nói chung và thị trường bán lẻ nói riêng. Tuy nhiên, việc bán đi mảng kinh doanh bán lẻ nhằm giúp ANZ tập trung vào mảng định chế tài chính của ngân hàng này.
Tham vọng lớn của Shinhan
Tháng 12/2017, Ngân hàng Shinhan đã chính thức tiếp nhận từ ANZ toàn bộ khối kinh doanh ngân hàng bán lẻ bao gồm nhân sự của 2 chi nhánh và 6 phòng giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, cùng khoảng 125.000 khách hàng cá nhân của ANZ. Thương vụ này giúp ngân hàng Hàn Quốc này giữ ngôi vị ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ông Shin Dong Min – Tổng Giám đốc của Ngân hàng Shinhan tại Việt Nam, cho biết: Thương vụ này được kỳ vọng sẽ giúp Ngân hàng Shinhan cân đối hơn về cơ cấu sản phẩm, tạo sự cân bằng giữa mảng bán lẻ và phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Việc tiếp nhận toàn bộ khối ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam của ANZ giúp Ngân hàng Shinhan mở rộng mạng lưới kinh doanh và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư. Đây cũng là nền tảng tốt để Ngân hàng Shinhan mở rộng qua mảng kinh doanh thẻ và sớm hoàn thành mục tiêu vươn lên top 3 về kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
“Để tăng trưởng trong tương lai, M&A là việc cần làm. Việc mua lại mảng bán lẻ của ANZ là sự khởi đầu của quá trình này”, Tổng giám đốc Shihan Bank Việt Nam cho biết. Lợi thế của ANZ là tín dụng cá nhân và các doanh nghiệp bất động sản.
Với thương vụ Prudential, Prudential là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam với mạng lưới khách hàng 300.000 người tính đến tháng 10/2016 và có quy mô dư nợ tín dụng đứng thứ 4 trong các công ty tài chính.
Công ty tài chính Prudential Việt Nam (PVFC) là công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam từ tháng 10/2007. Năm 2016, công ty đạt doanh thu 77,15 tỷ won (72 triệu USD) và lợi nhuận 13,15 tỷ won (12,27 triệu USD).
PVFC hiện là một trong 4 công ty chiếm lĩnh thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, cùng với FE Credit, HomeCredit và HDSaison. Tổng dư nợ cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng thuần túy là hơn 56 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016, theo một báo cáo của StoxPlus.
Thương vụ này sẽ cho phép Shinhan Financial Group mở rộng mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, thị trường tăng trưởng hai con số trong các năm gần đây và được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong các năm tới.
Bước đi của Shinhan cũng đánh giá sự xuất hiện thứ 3 của công ty tài chính có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam sau Mirae Asset thành lập năm 2010 và công ty tài chính do Lotte Card mua lại từ Techcombank cách đây vài tháng.