“Áo mới”- Tầm vóc mới

LÊ MỸ thực hiện 14/02/2024 14:27

Theo Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, với sự đồng hành của các chi nhánh VCCI tại phía Nam, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã phục hồi sản xuất, sẵn sàng niềm tin kinh doanh trong 2024.

>>Nghị quyết 41-NQ/TW: VCCI phải có cách suy nghĩ mới

- Xin ông cho biết điểm sáng trong những chương trình đã được các chi nhánh VCCI tại phía Nam triển khai?

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành

Năm 2023, các chi nhánh VCCI tại phía Nam đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đánh giá cao. Cụ thể: Chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, khảo sát tình hình của doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp và kiến nghị chính sách, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn và các gói hỗ trợ tài chính.

Chương trình “Kết nối doanh nghiệp với các thị trường tiềm năng”, được triển khai với các hoạt động như tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, triển lãm, hội chợ và khảo sát thị trường, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ xúc tiến thương mại, đặc biệt là các thị trường mới như Châu Phi, Trung Đông, Đông Âu, Mỹ La- tinh ...

Chương trình “Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp” được triển khai với các hoạt động như: tổ chức các khóa đào tạo về quản trị doanh nghiệp; tổ chức các buổi tập huấn và tư vấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh…

- Năm 2023, một số chi nhánh VCCI trên địa bàn đã đổi tên. Vậy tầm nhìn, hoạt động của các chi nhánh tới đây sẽ như thế nào thưa ông?

Việc đổi tên của chi nhánh VCCI TP HCM, chi nhánh VCCI Cần Thơ và chi nhánh VCCI Đà Nẵng là một bước đổi mới quan trọng, nhằm mở rộng và tăng cường vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn phía Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Với “chiếc áo mới” có định danh rõ ràng, phủ rộng hơn, các chi nhánh VCCI sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của mình, để phục vụ tốt hơn nhu cầu và mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Tầm nhìn, sứ mệnh và định hướng của các chi nhánh VCCI là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là chiến lược phát triển khu vực phía Nam và ĐBSCL nhằm tạo động lực cho sự phát triển bền vững, hài hòa và toàn diện của khu vực này. Kế hoạch hoạt động của các chi nhánh VCCI trong năm 2024 sẽ tập trung vào các mục tiêu sau đây:

Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững. Kết nối doanh nghiệp với các thị trường tiềm năng, đặc biệt là các thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam,như CPTPP, EVFTA, RCEP... Các hoạt động sẽ bao gồm tăng cường thông tin, tư vấn, hỗ trợ, xúc tiến, kết nối, hợp tác, đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, doanh nhân để tận dụng cơ hội và thích ứng với thách thức từ các FTA.

Tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp với các hoạt động như: đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả và hiệu suất; tối ưu hóa chi phí, tăng cường quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật; thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao uy tín và thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tại TP HCM với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phía Nam.

Hội nghị Đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2023 do VCCI phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức tại TP HCM với sự tham gia của hơn 700 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phía Nam.

- Ông kỳ vọng như thế nào về sự phục hồi của các doanh nghiệp phía Nam năm 2024?

Từ khách quan, các doanh nghiệp, doanh nhân cần nhận được sự hỗ trợ và đồng thuận từ chính quyền, xã hội như việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, an toàn; bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp; cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công, đơn giản hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng; giảm thuế và phí, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ, thông tin, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối, hợp tác, tham gia các mạng lưới quốc tế.

Từ chủ quan, nội tại, các doanh nghiệp, doanh nhân cần có sự thay đổi, đổi mới trong tư duy, chiến lược, quản trị, hoạt động, sản phẩm, dịch vụ, như: việc nắm bắt cơ hội và thích ứng với thách thức từ các hiệp định thương mại tự do, thị trường mới; nhu cầu mới, công nghệ mới, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao uy tín và thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.

Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân, cùng sự hỗ trợ và đồng hành của VCCI, tôi tin rằng cộng đồng doanh nghiệp phía Nam sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ, bứt phá và tăng trưởng bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • VCCI đồng hành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp

    06:55, 10/02/2024

  • 2024 - Năm tạo dựng tiềm lực, vị thế mới của VCCI

    17:20, 15/02/2024

  • Chủ tịch VCCI trao thẻ nhà báo cho phóng viên Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

    14:05, 25/01/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Áo mới”- Tầm vóc mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO