Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đặt chỉ tiêu cụ thể với Cty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trong năm 2018 phải xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, đồng thời phải hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tổi thiểu 6.600 tỷ đồng trong năm nay.
Tính đến cuối năm 2017, VAMC đã thực hiện mua được 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại 42 tổ chức tín dụng (TCTD), với tổng dư nợ gốc nội bảng là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Tổ chức đấu giá các khoản nợ
Ngay từ đầu năm 2018, VAMC đã tích cực đẩy mạnh việc đấu giá tài sản cho các khoản nợ xấu của BIDV, SHB,… Tổng giá trị khởi điểm của các khoản nợ mà VAMC rao bán trong năm nay đã hơn 380 tỷ đồng, bao gồm bất động sản tại tỉnh Bình Dương của CTCP Thép Tân Quốc Duy, tài sản đảm bảo (TSĐB) của CTCP Xi măng Puzolan Gia Lai đảm bảo nghĩa vụ nợ tại SHB, nợ xấu của CTCP Sản xuất Vật liệu xây dựng Kim Sơn tại BIDV. Và mới đây nhất là thông báo đấu giá khoản nợ với tổng giá trị hơn 2.200 tỷ đồng gồm 1.208 tỷ đồng nợ gốc và 1.070 tỷ đồng nợ lãi của Cty Nam Sài Gòn để đảm bảo nghĩa vụ nợ với BIDV chi nhánh Phú Tài.
Năm 2017, VAMC đã tổ chức phân loại, đánh giá chi tiết đến các khoản nợ có giá trị lớn từ 30 tỷ đồng trở lên và đưa ra phương án xử lý từng khoản nợ. Số khoản nợ này cũng lên tới mấy nghìn khoản, chiếm gần 70% tổng giá trị mua nợ của VAMC.
“Đối với các khoản nợ và TSBĐ của khoản nợ xấu đó, VAMC sẽ lựa chọn một số khoản để đứng ra thu giữ TSBĐ, tổ chức đấu giá… Các khoản nợ còn lại, VAMC ủy quyền cho các TCTD chủ động xử lý”, ông Nguyễn Tiến Đông nhấn mạnh.
Hiện VAMC đang phối hợp hỗ trợ các TCTD thực hiện các bước xử lý tiếp theo đảm bảo làm theo đúng tinh thần Nghị quyết 42, chỉ đạo của Thủ tướng, Thống đốc NHNN.
Quyết liệt xử lý nợ xấu
Mới đây, NHNN đặt chỉ tiêu cụ thể với VAMC trong năm 2018 phải xử lý tối thiểu 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, đồng thời VAMC cũng phải hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tổi thiểu 6.600 tỷ đồng trong năm 2018. Để triển khai các biện pháp này, VAMC cũng đã ký hợp đồng với 5 TCTD để mua nợ theo giá thị trường đối với 6 khách hàng với tổng giá trị mua nợ là 3.142,07 tỷ đồng.
Đến nay, nhiều khoản nợ xấu đã được xử lý theo nhiều hình thức, kể cả mua bán theo giá thị trường. Từ khi thành lập Hội đồng xử lý đến khi đưa khoản nợ ra thị trường để bán, VAMC phải đảm bảo đủ tiêu chí cũng như tính khách quan, minh bạch để người mua thuận lợi nhất.
Tuy nhiên, trong quá trình làm đến khi bắt đầu định giá, chuẩn bị đưa ra đấu giá còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chưa kể nhiều TSBĐ giá trị lớn, nội bộ rất phức tạp vì tài sản không phải một chủ mà là nhiều chủ với công năng khác nhau…
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính cho biết, Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền của chủ nợ và đã trao quyền cho ngân hàng, VAMC được thu giữ và xử lý TSBĐ. Vì vậy, khách hàng không thể không bàn giao tài sản cho chủ nợ.
Với các TCTD yếu kém, có nguy cơ mất khả năng thanh khoản, biện pháp khả thi nhất là sáp nhập, hoặc giải thể. Nếu không sáp nhập được thì các TCTD này sẽ đặt trong điều kiện kiểm soát đặc biệt của NHNN, nhằm từng bước xử lý các tồn đọng để đi tới giải thể.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai hiệu quả Đề án 1058 và giám sát tiến độ, kết quả thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 của các TCTD.
Ngoài ra, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các TCTD triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nội dung, giải pháp tại phương án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 đã được phê duyệt, đảm bảo theo đúng lộ trình đề ra. Đồng thời, các ngân hàng cũng được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai áp dụng chuẩn mực vốn Basel II, các nguyên tắc quản trị rủi ro theo thông lệ, chuẩn mực quốc tế, đi đôi với việc đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động... để góp phần giảm thiểu nợ xấu trong hoạt động ngân hàng.