Khi Quốc hội ban hành Luật đấu thầu (2013) và các Nghị định, Thông tư liên quan hướng dẫn sau này đã phần nào giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hệ thống cơ sở pháp lý liên quan để thực hiện.
Thế nhưng, một thực tế khiến cho nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp phải đó là quy định tại khoản 6, điều 3, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
Chính vấn đề này khiến doanh nghiệp như chúng tôi cảm thấy rất mâu thuẫn khi cái gọi là “doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ” như thế nào?
Theo tôi nghĩ, nếu giá trị gói thầu xây lắp có giá trị dưới 5 tỷ thì doanh nghiệp siêu nhỏ liệu có đủ năng lực tài chính, nhân lực để thực hiện hay không? Quy định như vậy cũng rất dễ phát sinh trong quá trình tham gia đấu thầu như: bao thầu, vây thầu, hồ sơ đăng ký đấu thầu ảo…
Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ họ có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công lại không được quyền tham gia vào những gói thầu xây lắp như quy định nói trên.
Giả sử nếu không có doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ tham gia đấu thầu, chủ đầu tư có thể xử lý tình huống theo Điều 86, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 cũng sinh ra nhiều bất cập chứ chưa nói đến tiêu cực. Cụ thể như khi không có doanh nghiệp cấp nhỏ tham gia đấu thầu, chủ đầu tư sẽ giao xử lý tình huống để đưa ra quyết định lựa chọn doanh nghiệp khác thi công.
Điều này chẳng khác nào tạo “kẽ hở” để những doanh nghiệp được ngầm hiểu là “sân sau” của chủ đầu tư sẽ được lựa chọn trúng thầu?