Pháp luật nội dung của Việt Nam được xây dựng chủ yếu là để điều chỉnh các quan hệ không có yếu tố nước ngoài.
Tuy nhiên, đối với quan hệ có yếu tố nước ngoài, đôi khi pháp luật Việt Nam lại được xác định là pháp luật điều chỉnh.
Tình tiết sự kiện: Công ty Việt Nam (Nguyên đơn - Bên mua) xác lập hợp đồng mua bán với Công ty Singapore (Bị đơn - Bên bán). Các Bên thỏa thuận thanh toán 100% bằng L/C không hủy ngang, 90 ngày kể từ ngày giao hàng lên tàu. Khi giải quyết tranh chấp, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng tập quán thương mại quốc tế - UCP 600.
Trong vụ việc nêu trên, Hội đồng Trọng tài xác định “Trong các hợp đồng, hai Bên không chọn luật áp dụng” và Hội đồng Trọng tài quyết định “luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết vụ tranh chấp này”.
Tuy nhiên, đối với tín dụng thư quốc tế nêu trên (L/C), pháp luật Việt Nam chưa có đầy đủ các quy định và câu hỏi đặt ra là có được áp dụng Bộ UCP 600 (là tập quán thương mại quốc tế trong lĩnh vực tín dụng thư quốc tế) cho quan hệ giữa các Bên nêu trên hay không?
Trong vụ việc trên, Nguyên đơn đã đơn phương sửa một số nội dung trên L/C và Ngân hàng của Nguyên đơn mới từ chối thanh toán.
Liên quan đến việc sửa đổi đơn phương trên, sau khi xác định “trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã đơn phương thay đổi nội dung L/C nhiều lần nhưng không được Bị đơn chấp thuận, nhất là mục 9 và 10 ở trường 46A. Chính vì không chấp nhận 2 mục trên nên trong bộ chứng từ thu tiền mà Bị đơn xuất trình, Bị đơn đã không gửi kèm những chứng từ được Nguyên đơn áp đặt trong mục 9 và 10 trường 46A”, Hội đồng Trọng tài cho rằng “Hội đồng Trọng tài đồng ý với quan điểm rằng: những sửa đổi của Nguyên đơn về điều kiện thanh toán trong L/C đối với tu chỉnh L/C lần 2, 3, 4 và Bị đơn chỉ chấp nhận một phần nội dung các tu chỉnh này đã làm cho L/C không có hiệu lực theo Điều 10 của UCP 600”.
Có thể bạn quan tâm
11:05, 26/01/2020
12:05, 25/01/2020
11:01, 01/12/2019
04:50, 23/11/2019
Như vậy, Hội đồng Trọng tài đã áp dụng UCP 600 được xác định là các tập quán thương mại quốc tế mà Phòng thương mại và công nghiệp quốc tế tổng hợp lại. Hướng vận dụng tập quán thương mại quốc tế như vừa nêu là phù hợp với các quy định hiện hành của Việt Nam. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, “trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng Trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Với quy định trên, Hội đồng Trọng tài được áp dụng tập quán thương mại quốc tế như UCP 600 nêu trên khi: thứ nhất, pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp (điều kiện này đã được thỏa mãn trong vụ tranh chấp); thứ hai, việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (điều kiện này cũng được thỏa mãn trong vụ việc được phân tích).
Từ vụ việc này, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế biết rằng thường pháp luật hiện hành không đầy đủ để giải quyết các vấn đề phát sinh từ hoạt động thương mại. Trong trường hợp xảy ra hoàn cảnh như vừa nêu, doanh nghiệp cũng biết rằng quan hệ của họ có thể được điều chỉnh bởi các tập quán thương mại quốc tế liên quan và, khi có tranh chấp, Hội đồng Trọng tài sẽ áp dụng tập quán này mà không cần sự đồng ý trước đó của các bên như chúng ta đã thấy trong vụ việc nêu trên.