Việc Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế EU- Nhật Bản (EPA) sẽ tạo áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các đối tác kinh tế, thương mại của EU và Nhật Bản.
Chậm một tuần so với dự kiến ban đầu, nhưng cuối cùng EPA đã được ký kết tại Brussels (Bỉ) nhân dịp hội nghị cấp cao lần thứ 25 giữa EU và Nhật Bản.
Tầm quan trọng của EPA
Sau 4 năm đàm phán, EU và Nhật Bản đã nhất trí nội dung của EPA từ cuối năm ngoái. Để quá trình phê chuẩn Thoả thuận được nhanh chóng hơn, tức là không bị cản trở bởi các quốc gia thành viên EU, hai bên đã không đưa nội dung về hợp tác đầu tư vào EPA, mà làm một thoả thuận riêng. EPA tập trung chủ yếu vào trao đổi thương mại. Dự kiến, EPA sẽ bắt đầu có hiệu lực chính thức từ mùa thu năm tới. Từ thời điểm đó, EU và Nhật Bản sẽ huỷ bỏ tới 99% mọi thuế quan bảo hộ và rào cản thương mại giữa hai bên.
EPA sẽ là khu vực mậu dịch tự do với hơn 600 triệu người tiêu dùng và chiếm gần 1/3 GDP của cả thế giới. EPA sẽ là thoả thuận mậu dịch tự do lớn nhất mà EU đã từng ký kết với đối tác trên thế giới. EU là đối tác kinh tế và thương mại quan trọng thứ 2 của Nhật Bản. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ cho thấy EPA quan trọng như thế nào đối với cả hai bên. EU được hưởng lợi nhiều nhất ở những dòng sản phẩm như nông sản, dịch vụ tài chính, chế tạo máy, hoá chất... trong khi Nhật Bản sẽ được lợi nhiều từ sản phẩm điện tử và ô tô các loại.
Cách đây hơn 4 năm, vào thời điểm EU và Nhật Bản khởi động quá trình đàm phán về EPA, EU đang tiến hành đàm phán với Mỹ về Hiệp định Đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP). Sau khi kế nhiệm ông Obama làm Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump không chỉ ngừng đàm phán với EU về TTIP mà còn rút nước Mỹ ra khỏi TPP. Sau đó, Nhật Bản cùng 10 nước thành viên khác đã ký kết CPTPP. Tuy đã ký kết CPTPP, nhưng do Mỹ với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng ngoài cuộc nên EU càng trở nên quan trọng hơn đối với Nhật Bản.
Sau khi TTIP bị phá sản và chưa biết đến khi nào mới đạt được thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do với Trung Quốc, EU càng phải coi trọng hơn việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Nhật Bản.
Chiến lược của các đối tác
Việc EU và Nhật Bản ký kết EPA càng trở nên có ý nghĩa hơn khi ông Trump đã chính thức “khai hoả” cuộc xung đột thương mại với nhiều đối tác kinh tế và thương mại, trong đó có EU và Nhật Bản. Ông Trump không dừng lại ở việc rút nước Mỹ ra khỏi những thoả thuận đa phương quốc tế và xem xét lại những thoả thuận mậu dịch tự do mà Mỹ đã ký kết, mà còn thực thi quyết liệt các chính sách bảo hộ thương mại. Dù đáp trả Mỹ thích đáng, thì cả EU và Nhật Bản đều không thể tránh khỏi bị tổn hại từ chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ. Hai đối tác này bị dồn đẩy vào tình thế phải tìm kiếm lợi ích ở chỗ khác để bù đắp cho thiệt hại trong quan hệ kinh tế và thương mại với Mỹ.
Trên thực tế, EPA sẽ đem lại cho tất cả mọi đối tác kinh tế và thương mại của EU và Nhật Bản hai nhận thức rất quan trọng. Thứ nhất là hiện tại cả hai đối tác này đều có nhu cầu rất lớn về thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại. Quan hệ của họ với Mỹ càng căng thẳng, thì nhu cầu này càng lớn hơn và cấp thiết hơn. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho các nước thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác với EU và Nhật Bản.
Thứ hai, các đối tác đã có được thoả thuận song phương và đa phương về hợp tác kinh tế và thương mại tự do với Nhật Bản và EU cần tận dụng triệt để hơn nữa tác dụng và hiệu quả của những thoả thuận đó, hoặc nhanh chóng thúc đẩy sớm ký kết thỏa thuận thương mại tự do đang trong quá trình đàm phán để tránh bị EPA làm hao tổn giá trị thực tiễn. Nói cách khác, EPA sẽ thách thức không nhỏ và tạo áp lực vô cùng lớn đối với những đối tác kinh tế và thương mại hiện tại của EU và Nhật Bản.
Việt Nam cần sớm ký kết EVFTA với EU Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) hiện đã được tách làm hai phần. Trong đó, hiệp định thương mại vốn là phần nội dung quan trọng, từng gây tranh cãi nhất trong quá trình đàm phán EVFTA giữa Việt Nam và EU, nay đã hoàn tất rà soát pháp lý. Phần còn lại về bảo hộ đầu tư không quá phức tạp, nên việc rà soát có thể sẽ nhanh chóng hơn. Nhiều khả năng EU sẽ không xem xét hiệp định này theo hai đợt riêng rẽ. Bởi với EPA, Nhật Bản hoàn tất đàm phán với EU cuối năm ngoái, được trình Hội đồng châu Âu ký chính thức mà không chờ hiệp định bảo hộ đầu tư (lúc đó, hiệp định bảo hộ đầu tư vẫn đang trong quá trình đàm phán). Trong điều kiện EPA đã được ký kết, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh xuất khẩu sang EU và ngược lại. Bởi vậy, nếu Việt Nam không thúc đẩy sớm ký kết EVFTA, thì mức độ hưởng lợi của các doanh nghiệp Việt Nam từ EVFTA có thể không đạt được như kỳ vọng. |