24h

Áp thuế VAT 5% với phân bón: Người nông dân có chịu thiệt?

Khôi Nguyên 15/08/2024 00:45

Đề xuất áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón vẫn có những quan điểm trái chiều. Trong đó có ý kiến lo lắng người nông dân sẽ chịu thiệt, bỏ ruộng.

ap-thue-5-voi-phan-bon-nguoi-nong-dan-chiu-thiet-2.png
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, trong thường trực Ủy ban có 2 luồng quan điểm liên quan đến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%.

Ngày 14/8, trong khuôn khổ chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh thông tin, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo đó, nhiều nội dung đã được Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất giải trình, tiếp thu và thể hiện cụ thể trong báo cáo đầy đủ; đồng thời, báo cáo một số nội dung các cơ quan còn có ý kiến khác nhau.

Một trong những vấn đề được quan tâm trong dự thảo luật lần này là ý kiến đề nghị chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%. Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, trong thường trực Ủy ban có 2 luồng quan điểm liên quan đến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%.

Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng. Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%, người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ.

Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung Dự thảo Luật và cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế giá trị gia tăng đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế. Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế giá trị gia tăng.

Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73% thị phần); các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như Dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật.

ap-thue-5-voi-phan-bon-nguoi-nong-dan-chiu-thiet-1.jpg
Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước.

Về nội dung này, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn khẳng định, việc tăng thuế 5% với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Bởi, năng lực sản xuất phân bón của doanh nghiệp trong nước lớn, nếu áp thuế 5% thì tác động nhất định tới giá thành sản xuất trong nước (hiện chiếm hơn 73% thị phần). Các doanh nghiệp sản xuất sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra và họ có dư địa giảm giá bán, chiếm lĩnh thị trường.

Ngoài ra, phân bón là mặt hàng trong diện bình ổn giá, nên cơ quan quản lý có thể sử dụng biện pháp bình ổn trong trường hợp cần thiết. Đây là bài toán căn cơ phải tính toán để vừa tự chủ năng lực, vừa giữ được ngành sản xuất phân bón trong nước.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phân tích, theo quy định hiện hành, phân bón không chịu thuế chứ không phải đánh mức thuế 0%. Do không chịu thuế nên không thể khấu trừ, hoàn thuế đầu vào cho doanh nghiệp.

Chúng tôi có xem lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo. Nếu đánh thuế 5% với phân bón, mỗi 1 năm, Nhà nước thu khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng. Thu của người nông dân 5.700 tỷ đồng mà bảo là giảm giá bán thì không thuyết phục”, ông Giang nói.

Ông Giang cũng đề nghị phải đánh giá sát hơn vì giá thành và giá bán là hai vấn đề khác nhau. Bởi giá bán còn thuộc cả vào thế giới. “Nếu áp thuế 0% với phân bón thì doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Như vậy, ngân sách Nhà nước mất 1.500 tỷ đồng/năm. Theo tốc độ tăng có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng giá bán sản phẩm của người nông dân ổn định, không tăng”, ông Giang đề xuất.

Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Lê Tấn Tới cho biết, đi tiếp xúc cử tri tỉnh Long An và nhận được điện thoại từ nhiều tỉnh của đồng bằng sông Cửu long. Bà con nông dân cho rằng, việc đánh thuế phân bón là chưa ủng hộ người nông dân.

Bà con phản ánh, những nông dân nào có điều kiện sản xuất tập trung, chất lượng cao mới có lãi, nhưng đa số người dân ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn sản xuất theo hộ gia đình, việc sản xuất đã gặp khó khăn… Sản xuất nông nghiệp đã khó rồi, giờ lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược lại. Từ đó có thể dẫn đến tình hình an ninh nông thôn sẽ phức tạp.

Ông Lê Tấn Tới đề nghị cần ủng hộ ở góc độ bảo vệ sản xuất của người nông dân và an ninh nông thôn.

Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, thống nhất với cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Áp thuế VAT 5% với phân bón: Người nông dân có chịu thiệt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO