Năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài trên 508 triệu USD. Trong đó, riêng đăng ký đầu tư sang Australia là 154,6 triệu USD.
Số liệu vừa cập nhật của Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 508,14 triệu USD; trong đó có 164 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 403,15 triệu USD. Có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư Việt Nam tăng thêm gần 105 triệu USD.
Theo thống kê, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 121,6 triệu USD, chiếm 23,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đứng thứ hai với 86,1 triệu USD và chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ đứng thứ ba với 70,1 triệu USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn, Việt Nam đầu tư sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 154,6 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ hai với 26 dự án, tổng vốn đầu tư 93,4 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư.
Như vậy, thay vì các thị trường truyền thống như Lào, Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tìm kiếm và đầu tư vào các thị trường mới như thị trường Australia.
Có mức đầu tư lớn này sang Australia là nhờ khoản vốn đầu tư trị giá trên 80 triệu USD của Tập đoàn TH. Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH đã đăng ký đầu tư Dự án chăn thả đàn bò tự nhiên, trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại, với vốn đầu tư 46,5 triệu USD tại Australia.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt, cũng thuộc sở hữu của Tập đoàn TH, cũng đã đăng ký đầu tư Dự án Chăn thả tự nhiên đàn bò, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả, gia tăng lợi nhuận; trồng và chế biến nước ép xoài, tinh dầu từ gỗ đàn hương có chất lượng cao trị giá 42 triệu USD tại Australia.
Như vậy, hai dự án của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư 88,5 triệu USD.
Ngoài hai dự án của TH, thì còn có Dự án đầu tư, xây dựng nhà để bán và cho thuê thương mại trị giá 38 triệu USD của Công ty cổ phần Đầu tư IMG và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển ADPG, cũng được đăng ký đầu tư tại Australia.
Trong nhiều năm qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng hội nhập quốc tế.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), sự khởi sắc của hoạt động doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thời gian qua là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn đăng ký doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Hoàng Anh - Gia Lai... Tuy nhiên, hoạt động doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức. Trong đó, sự khác biệt về văn hóa, pháp luật, môi trường giữa Việt Nam và các quốc gia là nguyên nhân chính dẫn đến các tranh chấp ngoài mong muốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án, quyền và lợi ích của người dân địa phương cũng như hình ảnh của nhà đầu tư Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài kinh doanh nhưng hoạt động còn mang tính tự phát. Khi xảy ra tranh chấp tại nước sở tại, việc xử lý rất khó khăn, phức tạp do nhiều vướng mắc phát sinh ngoài tầm kiểm soát.
Vì vậy, nhiều khuyến cáo đã đưa ra rằng, để hoạt động doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam phát huy hiệu quả hơn, hạn chế được các rủi ro, trước tiên các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật những thay đổi thường xuyên của chính sách, có thái độ hợp tác với chính quyền, người dân ở quốc gia mà doanh nghiệp đang đầu tư dựa trên nguyên tắc cùng có lợi. Cần tuân thủ tốt pháp luật nước sở tại, luật pháp quốc tế và các quy định có liên quan để phòng ngừa những tranh chấp có thể xảy ra trong suốt quá trình đầu tư...