Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà đầu tư cảnh báo nguy cơ rút khỏi thị trường khi giãn cách kéo dài

THY HẰNG 14/09/2021 19:10

Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho biết, 20% doanh nghiệp được khảo sát đang xem xét việc di rời khỏi Việt Nam, do đó cần phải quan tâm việc “giữ chân” nhà đầu tư.

Hội nghị trực tuyến giữa Tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu, VCCI và các Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh (Eurocham), Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Đức tại thành phố Hồ Chí Minh (AHK), Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), Hiệp hội Doanh nghiệp Hà an tại Việt Nam (DBAV) và các doanh nghiệp.

ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao sáng kiến của Tỉnh trong việc tổ chức sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp trực tuyến

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao sáng kiến của Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong việc tổ chức sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp trực tuyến.

Tham dự cuộc gặp gỡ trực tuyến giữa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá cao sáng kiến của Tỉnh trong việc tổ chức sự kiện gặp gỡ doanh nghiệp trực tuyến với nhiều điều đặc biệt trên nhiều bình diện trong kết quả kinh tế 8 tháng đầu năm.

“Cuộc gặp gỡ này một phần thể hiện mong muốn, trách nhiệm của địa phương trong đồng hành cùng doanh nghiệp vượt đại dịch. Lâu dài chúng ta phải có chiến lược lâu dài sống chung với đại dịch”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh. 

Theo Tổng thư ký VCCI, đại dịch đã tấn công vào nhiều nguồn vốn, gồm vốn kinh tế, vốn xã hội, ảnh hưởng sức khoẻ con người và vấn đề môi trường.

“Chúng ta lo chống dịch, an dân vừa phục hồi kinh tế. VCCI Bà Rịa vũng tàu là cánh tay nối dài của VCCI với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi luôn có nhữnh trao đổi kịp thời, chính xác tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp”, ông Vinh nhấn mạnh.

Để hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí Thư và Nghị quyết 105/NQ-CP/2021 của Chính phủ, Tổng thư ký VCCI cho biết, VCCI sẽ nâng cấp và dành thêm thời lượng của lãnh đạo VCCI để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp, không chỉ chống dịch mà khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa nền kinh tế. 

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại TP HCM cho biết, 20% doanh nghiệp được khảo sát đang xem xét việc di rời khỏi Việt Nam, do đó cần phải quan tâm việc “giữ chân” nhà đầu tư.

“Trong khi năm 2020 có nhiều doanh nghiệp Đức đã dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, nhưng họ hiện đang cho biết cân nhắc việc dịch chuyển tới những nơi chuỗi cung ứng suôn sẻ hơn nếu Việt Nam tiếp tục kéo dài giãn cách”, ông Marko Walde lưu ý.

Cùng với đó, ông Marko Walde cho biết, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào Việt nam cũng như Bà Riạ - Vũng Tàu cũng gặp khó khăn di chuyển và đến khảo sát quyết định đầu tư. “Do đó, cần hài hoà quan hệ, việc di chuyển đi lại tại các địa phương cần thống nhất. Các nhân viên người lao động không sống tại Bà Rịa Vũng Tàu cũng cần di chuyển tới nơi làm việc tại Tỉnh. Đặc biệt là chính sách cho các chuyên gia đã tiêm chủng đầy đủ”, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho biết.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Thương mại Châu Âu tại thành phố Hồ Chí Minh (Eurocham) cũng cho biết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, du lịch gặp khó trong áp dụng “3 tại chỗ” mà chưa chắc đã hiệu quả. Cùng với đó, nhiều địa phương huyện thị ven biển có nhiều lúng túng khó hiểu trong áp dụng biện pháp chống dịch là các doanh nghiệp bất động sản, du lịch gặp khó.

“Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết chịu trách nhiệm nếu nhân viên vi phạm chống dịch, nếu không ký thì doanh nghiệp lại không thể hoạt động. Nhưng nếu ký kết lại mang rủi ro quá lớn cho các doanh nghiệp”, đại diện Eurocham cho biết.

Thậm chí, ông Guido van Rooy, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà an tại Việt Nam (DBAV) còn cho biết, thiếu khu vực khách sạn cách ly đáp ứng nhu cầu cách ly của chuyên gia.

Do đó, các doanh nghiệp khuyến nghị cần thống nhất trong chính sách, quy định chống dịch giữa các huyện thị. Đồng thời, việc đi lại của công nhân tại các khu công nghiệp, mà đặc biệt là công nhân đã được tiêm 2 mũi vaccine hay của các chuyên gia đã tiêm đủ vaccine cần được tạo thuận tiện.

Đặc biệt, một số doanh nghiệp cảng, logistics khuyến nghị cần một số quy trình liên quan khai báo hải quan và điều chỉnh liên quan việc tiếp nhận container tại kho bãi, có biện pháp phù hợp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro đình trệ sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương tiếp nhận các dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên của cả nước (năm 1990). Các dự án FDI trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực, công tác thu hút đầu tư cũng được định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Một số dự án FDI quy mô lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, dịch vụ… góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng năng lực sản xuất, kim ngạch xuất khẩu, đổi mới công nghệ, phát triển mở rộng thị trường quốc tế; đồng thời tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, nâng cao hiệu quả sản xuất tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư, trong đó có một số quốc gia có vốn FDI lớn như Hoa Kỳ, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp.

Qua hơn 30 năm thu hút đầu tư FDI, lũy kế đến nay tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có 429 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29,4 tỷ USD. Các dự án này thường có quy mô và suất đầu tư lớn, ít thâm dụng lao động, tập trung chính vào các lĩnh vực du lịch, cảng biển, sản xuất công nghiệp chất lượng cao.

Trong 8 tháng đầu năm 2021, Tỉnh đã thu hút mới được 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 216,9 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng vốn tăng thêm 118,1 triệu USD; góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 60,5 triệu USD; tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng thêm đạt 394 triệu USD; số dự án thu hút mới giảm 19,05% so với cùng kỳ và tổng vốn đăng ký mới giảm 10,37% so với cùng kỳ.

Giai đoạn 2021-2025, Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu thu hút các dự án có thương hiệu đẳng cấp, thân thiện với môi trường, bền vững, tạo sự lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội, đem lại giá trị cho người dân thụ hưởng; trong đó, thu hút mới 150 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 3.2 tỷ USD và 185 dự án đầu tư trong nước với tổng khoảng 100.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Bà Rịa - Vũng Tàu và VCCI đồng hành tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư

    15:23, 14/09/2021

  • Bà Rịa – Vũng Tàu: Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị sớm tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động

    12:08, 14/09/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhà đầu tư cảnh báo nguy cơ rút khỏi thị trường khi giãn cách kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO