ADB nâng ước tính GDP 2018 cho các nước châu Á đang phát triển lên 6% từ mức 5,8% của năm ngoái. Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ mậu dịch của Mỹ và bất kỳ sự trả đũa nào đều làm suy yếu thương mại.
Tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ chỉ giảm nhẹ xuống mức 5,9% vào năm 2019.
ADB dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 6,6 % trong năm nay, nhanh hơn so với ước tính trước đây là 6,4 % trong tháng 12, và tăng trưởng 6,4 phần trăm trong năm 2019. Nếu nhìn vào khu vực, Nam Á sẽ vẫn là khu vực phát triển nhanh nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương, với mức tăng trưởng được ADB ước tính trong năm nay là 7% và 7,2% trong năm 2019.
Tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á được dự báo là 5,2% trong năm nay và năm sau, bằng tốc độ tăng trưởng của 2017, trong khi Trung Á dự báo sẽ giảm xuống mức 4% vào năm 2018 trước khi tăng lên 4,2% vào năm sau. Tuy nhiên, tình hình từ nay đến cuối năm vẫn còn phụ thuộc rất nhiều vào ba biến số: nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hệ luỵ của cuộc tiến công chống lại WTO và tươg lai của EU.
Nguy cơ cuộc chiến thương mại
Ngày 3/6/2018, Trung Quốc cảnh báo Mỹ rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào đạt được giữa hai nước cũng sẽ trở nên vô hiệu nếu Mỹ áp thuế quan và các biện pháp thương mại khác lên hàng hóa Trung Quốc. Lời cảnh báo này được đưa ra sau khi hai bên kết thúc cuộc đàm phán mới nhất ở Bắc Kinh mà chưa đạt bước tiến rõ rệt nào. Một tuyên bố ngắn sau cuộc đàm phán được đăng tải không hề đề cập đến bất kỳ một thỏa thuận mới nào từ cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Wilbur Ross và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
Thay vào đó, tuyên bố nhắc đến sự đồng thuận đạt được trong vòng đàm phán trước ở Washington, khi Trung Quốc nhất trí sẽ tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Để thực thi sự đồng thuận đạt được ở Washington, hai bên đã tích cực trao đổi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp và năng lượng, và đạt được tiến bộ tích cực và rõ rệt. Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc đã đe dọa áp thuế lên 150 tỷ USD hàng hóa của nhau. Tuy nhiên, Tân Hoa Xã vẫn nói lại quan điểm của Trung Quốc là nhất quán và nước này sẽ tăng nhập khẩu từ mọi nước, bao gồm Mỹ.
Quan điểm được nhấn mạnh hiện nay vẫn là, những thành quả đã đạt được giữa Trung Quốc và Mỹ cần phải dựa trên nền tảng là hai bên đáp ứng cân bằng lẫn nhau, và không rơi vào một cuộc chiến tranh thương mại. Nếu Mỹ đưa ra các biện pháp trừng phạt thương mại, bao gồm nâng thuế quan, tất cả các thành quả về kinh tế và thương mại mà hai bên đã đàm phán được sẽ không còn hiệu lực.
Ngay vào thời điểm có vẻ hai bên đã dừng việc đe dọa lẫn nhau, cuối tháng 5/2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump bất ngờ tuyên bố giữ nguyên kế hoạch áp thuế lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, áp hạn chế lên hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ, và thắt chặt hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc. Trong một bài bình luận mới đây, Tân Hoa Xã cảnh báo Mỹ không nên thử thách Trung Quốc bằng bất kỳ sự gây hấn nào nữa.
Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn đang lơ lửng, giữa lúc Mỹ và các đồng minh thân cận đang mâu thuẫn gay gắt xung quanh việc Washington áp thuế quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ các nước này. Tuần trước, Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU) đều đã áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa.
Tiến công nhằm vào WTO
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng thống Mỹ Donald Trump đã/đang tiến hành nhiều mũi tấn công nhắm vào WTO. Một mặt, đe dọa sử dụng điều khoản “an ninh quốc gia” như đã nói trên, hành động có thể khiến WTO tan vỡ, nhưng mặt khác cũng sử dụng kênh truyền thống là đưa các quốc gia đối thủ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body), với các khiếu nại, được coi là không thách thức sự tồn tại của định chế quốc tế này.
Cụ thể là ngày 23/3/2018, Washington quyết định khởi sự thủ tục kiện Trung Quốc lên WTO, với lý do Bắc Kinh "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ". Washington tố cáo Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài, làm ăn tại Trung Quốc, buộc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.
Việc chính quyền Mỹ vừa tấn công vào tính hợp pháp của WTO, lại vừa nhờ cậy đến WTO trong các tranh chấp đã không gây ra mâu thuẫn, cho dù hiện nay rất khó nhìn ra tính nhất quán trong chính sách của Mỹ, theo như nhận định của ông Peter Ungphakorn, cựu phát ngôn viên của WTO, người từng làm việc tại định chế này trong hai thập niên.
Cựu chuyên gia WTO khẳng định, chính quyền Trump đang sử dụng bất cứ vũ khí nào cho phép họ giành thắng lợi, Washington rất có thể, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ WTO, nhưng mặt khác sẵn sàng lờ đi các quy tắc của WTO, nếu cần. Nói một cách khác Trump vừa chống, vừa sử dụng WTO. Vấn đề là, việc Mỹ quyết định đưa tranh chấp ra cơ quan phán xử của WTO diễn ra đúng vào lúc cơ quan này đang đứng trước viễn cảnh tê liệt hoàn toàn, do chủ trương của Mỹ.
Theo giới quan sát, ẩn đằng sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm “cải tổ” WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ. Cuối tháng 3/2018, Washington bổ nhiệm đại diện mới tại WTO, sau một thời gian dài ghế này bị bỏ trống: Luật sư Robert Lighthizer, 69 tuổi, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, giống như bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro.
Song song với các đòi hỏi cải tổ mang tính kỹ thuật mà Washington đề xuất, cái đích chính mà chính quyền của Donald Trump nhắm đến là Trung Quốc. Trong báo cáo về chính sách thương mại thường niên của Hoa Kỳ năm 2018, được công bố hồi tháng 3, Trung Quốc bị lên án, “cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi. Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây”.
Theo chính quyền Mỹ, chừng nào Trung Quốc vẫn cứ tự phát triển theo cách riêng của họ, thì chừng ấy Washington phải có nghĩa vụ tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình. WTO trong thời gian tới, như vậy, rất có thể sẽ trở thành một sàn đấu chính của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.
Vì tương lai của EU
Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel vừa vượt qua được cửa ải bế tắc chính trị kéo dài suốt 5 tháng qua và chính thức bước vào nhiệm kỳ thứ 4, trọng tâm chuyến công du của Tổng thống Pháp Macron đến Berlin ngày 12/4/2018 là nhằm thực hiện tham vọng cải tổ châu Âu như ông cam kết ngay từ khi đắc cử. Tuy nhiên, au cuộc gặp ở Berlin thì cả ông Macron lẫn bà Merkel đều không đề cập cụ thể những gì đã bàn bạc và những gì đã thống nhất hay còn tranh cãi. Cả hai đều tuyên bố rất chung chung rằng sẽ tiếp tục làm việc cùng nhau để đưa ra những cải cách tốt nhất cho lợi ích của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, những lời nói này chỉ phản ánh thực tế là hiện tại giữa Pháp và Đức đang tồn tại rất nhiều trở ngại, mà đặc biệt là từ phía Đức. Nguyên nhân là vì tính từ thời điểm ông Macron đưa ra các dự án cải tổ châu Âu, tức tháng 9/2017, tương quan lực lượng trên chính trường Đức đã thay đổi khá nhiều. Thế bế tắc chính trị kéo dài 5 tháng qua ở Đức đã làm suy yếu khá rõ vị thế của bà Merkel và vì thế mà hiện tại thì các phe bảo thủ ở Đức đang công khai phản đối khá mạnh các đề xuất cải cách châu Âu của ông Macron. Phe này cho rằng việc tạo ra ngân sách chung cho khối eurozone sẽ khiến Đức đánh mất chủ quyền.
Ngoài ra, việc chuyển nguồn lực tài chính từ “Cơ chế bình ổn” sang thành một dạng “Quỹ tiền tệ châu Âu” phục vụ cho đầu tư trong khối cũng bị phản đối vì các chính trị gia Đức này lập luận rằng không muốn tiền của người đóng thuế Đức lại đi phục vụ cho các quốc gia vô kỷ luật về ngân sách như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha.
Thêm một yếu tố nữa khiến cho nhiệm vụ thuyết phục nước Đức của ông Macron thêm khó khăn, đó là vai trò của đảng Dân chủ xã hội SPD trong chính phủ liên minh tại Đức cũng bị giảm sút nên đảng này, vốn được coi là đồng minh với ông Macron tại châu Âu, không thể ủng hộ ông Macron mạnh như dự đoán ban đầu.
Mặc dù rất tham vọng và cũng nhận được nhiều sự chờ đợi tại châu Âu nhưng ở thời điểm này, các kế hoạch cải tổ châu Âu của ông Macron đang gặp trở ngại lớn từ phía Đức và bộ đôi Pháp-Đức cũng không hợp tác suôn sẻ như mong đợi trước kia. Chính phủ Đức nhiệm kỳ mới của bà Merkel đang rất thận trọng và bà Merkel cũng không còn đủ vị thế như trước, nên tiến trình cải tổ châu Âu sẽ còn rất gian nan.