Chiều 21/8, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn và ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp về môi trường đầu tư, công tác điều hành của chính quyền.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Lý Thái Hải, những năm qua các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng, khai khoáng còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt liên quan đến tình hình khó khăn của ngành khoáng sản trên địa bàn và vấn đề giải phóng mặt bằng ở các địa phương. "Các ý kiến của doanh nghiệp tại hội nghị này giúp các sở ngành, địa phương nắm được thực trạng ra sao để tìm hướng tháo gỡ" - ông Lý Thái Hải nhấn mạnh.
Theo ông Lê Thanh Hải - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, trong những năm qua hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp cho công tác an sinh xã hội. Tuy vậy, dù có sự phát triển về “lượng” nhưng về “chất” vẫn còn những hạn chế nhất định. Một phần do các doanh nghiệp chưa nghiên cứu kỹ thị trường, sự ảnh hưởng của các tổ chức đại diện chưa sâu rộng, chưa sâu sát được đến quyền và lợi ích giữa quản lý nhà nhà nước và bên tham gia sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
13:35, 20/08/2019
11:33, 20/12/2018
09:00, 14/06/2018
Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, hiện nay các doanh nghiệp đang “vướng” một số vấn đề như: Tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và lĩnh vực công nghiêp, xây dựng nhỏ có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng; Tại Khoản 3, Điều 6 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho các nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ mới được tham gia. Theo đó, các gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ dành cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định nêu trên; doanh nghiệp vừa không được tham gia dự thầu gói thầu xây lắp này.
Theo ông Lê Thanh Hải, quy định này gây khó khăn cho các doanh nghiệp thu hút nhiều lao động, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Do đặc thù của lĩnh vực này doanh nghiệp phải sử dụng nhiều lao động (số lao động hàng năm thường lớn hơn 100 người nên không được xếp là doanh nghiệp nhỏ). Vì vậy, các doanh nghiệp này sẽ bị hạn chế khi tham gia các gói thầu sửa chữa định ngày trên các tuyến đường do đơn vị thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (các gói thầu đa số nhỏ hơn 5 tỷ đồng) vấn đề này gây khó khăn trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động, trong khi họ hàng ngày gắn bó với tuyến đường.
“Hiện nay các loại thuế và phí có xu hướng ngày càng nhiều loại với mức thu tăng cao như: thuế tài nguyên, phí môi trường, phí xăng dầu; BHXH, BHYT, BHTN... trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền khi xây dựng dự toán của các Dự án lại không đưa các loại thuế, phí vào trong dự toán vì vậy trong quá hoạt động các doanh nghiệp bị thiệt hại rất lớn do phải nộp thuế, phí theo quy định”, ông Hải cho biết.
Theo Hội doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn, hiện nay các doanh nghiệp trẻ và doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn và giải phóng mặt bằng, đề nghị tỉnh xem xét tạo điều kiện để các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư phát triển, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn.
Cũng theo một số doanh nghiệp, trong năm 2018, UBND tỉnh đã có ý kiến năm 2019 các ngành chức năng cần phối hợp thực hiện thanh kiểm tra, tuy nhiên đến nay công tác thanh kiểm tra không những giảm mà còn có chiều hướng tăng hơn. Trong 6 tháng đầu năm, Công ty cổ phần khoáng sản Bắc Kạn có 10 đoàn thanh kiểm tra, trong đó Sở LĐTB&XH có 3 cuộc. Các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp giành thời gian hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh, sửa đổi một số cơ chế chính sách phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể duy trì phát triển bền vững tạo việc làm ổn định và nâng cao đời sống của người lao động. Cụ thể như: Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng, đối với những trường hợp này, người lao động có trách nhiệm trích nộp và thực hiện thanh toán các chế độ bảo hiểm (hoặc tham gia bảo hiểm tự nguyện) sẽ giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Được biết, mục tiêu của tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020 có ít nhất 1.300 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có trên 80% doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, làm ăn có lãi và phát triển qua từng năm. Để đạt được điều này, tỉnh đã và đang tập trung nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nỗ lực thay đổi các chỉ số PCI, PAPI và cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Trong đó, tập trung triển khai cơ chế một cửa liên thông trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, công khai, minh bạch thông tin hỗ trợ doanh nghiệp. Thực hiện đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ vướng mắc nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Du - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn đã nhận trách nhiệm trước cộng đồng doanh nghiệp và đề nghị các đơn vị liên quan lắng nghe xem các doanh nghiệp, nhà đầu tư vướng cái gì chúng ta phải giải quyết dứt điểm cái đấy trong thẩm quyền, vấn đề nào không giải quyết được thì tỉnh giải quyết. “Thời gian của doanh nghiệp là vàng bạc, cần giải quyết sớm. Các sở, ngành, địa phương cần coi việc của người dân và doanh nghiệp như công việc của chính mình, giúp doanh nghiệp là giúp chính mình thì mới cải thiện được. Tôi mong muốn các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ thành công”, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn nhấn mạnh.
Một số hình ảnh tại Hội nghị chiều 21/8: