Dù nhiều doanh nghiệp kiến nghị "cầu cứu" xin gia hạn thời điểm xử phạt xe ô tô kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát, Bộ GTVT vẫn khẳng định thực "không thể lùi thêm".
>>>Sắp đến hạn cuối lắp camera, nhiều doanh nghiệp vận tải than khó
Ngày 01/01/2022 là hạn cuối xe kinh doanh chở khách từ 9 chỗ trở lên buộc phải lắp camera giám sát. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn trên 80% xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp đơn cử như Hợp tác xã vận tải du lịch Thiên Ân, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vận tải Quân Trung..đã có đơn “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải.
Cùng với đó, lãnh đạo Công ty TNHH vận tải và thương mại Thiên Thanh, Công ty TNHH đầu tư thương mại và du lịch Huy Hoàng, Công ty CP thương mại- du lịch và vận tải Hồng Hạc, Công ty TNHH phát triển thương mại và du lịch Hoà Bình cùng hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải du lịch đã đồng loạt ký đơn "kêu cứu" gửi tới lãnh đạo Bộ GTVT.
Trong khi Chính phủ chưa ra quyết định có lùi thời hạn xử phạt xe kinh doanh vận tải chưa lắp camera giám sát hành trình, đại diện Bộ Giao thông vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ vừa ký công văn số 13333 gửi Hợp tác xã Vận tải Du lịch Thiên Ân và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vận tải Quân Trung về kiến nghị xin lùi thời gian lắp camera.
Tại công văn, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, theo quy định của Luật Đầu tư, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Theo đó, quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10), trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Ngay khi Nghị định 10 được ban hành, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các cơ quan tham mưu của Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải về nội dung quy định của Nghị định 10 để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, "việc xây dựng Nghị định 10 được Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và các địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra lộ trình lắp đặt camera, loại phương tiện kinh doanh vận tải phải lắp camera bảo đảm phù hợp với các doanh nghiệp vận tải để thực hiện và đảm bảo sự công khai, minh bạch, công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô", Bộ Giao thông vận tải khẳng định.
Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Công ty Quân Trung nghiên cứu kỹ quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện vận tải bằng xe ô tô để lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp với điều kiện của đơn vị mình, khi đã lựa chọn loại hình kinh doanh nào thì phải tuân thủ và chấp hành theo điều kiện kinh doanh của loại hình đó.
Đối với nội dung kiến nghị lùi thời gian xử phạt vi phạm hành chính, Bộ Giao thông vận tải thừa nhận, kể từ ngày Nghị định 10 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/4/2020 cũng là thời điểm dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm phải áp dụng giãn cách xã hội, điều này ảnh hướng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn xã hội, trong đó, có của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Trước những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh, đặc biệt từ ngày 01/4/2020 đến nay, tình hình kinh doanh vận tải của doanh nghiệp khó khăn do không có doanh thu để chi trả tiền lương lái xe, đóng bảo hiểm xã hội, nộp các khoản thuế, trả gốc, lãi tiền vay ngân hàng,…Bộ Giao thông vận tải và các Bộ ngành đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như thuế, phí sử dụng đường bộ, đăng kiểm....
Bộ Giao thông vận tải cũng báo cáo Chính phủ xem xét đưa vào Nghị quyết của Chính phủ: “Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người điểu khiển xe ô tô quy định tại điểm p khoản 5 Điều 23, điểm c khoản 3 Điều 24; đối với cá nhân kinh doanh vận tải, tổ chức kinh doanh vận tải quy định tại điểm o, điểm p khoản 6 Điều 28 của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP liên quan đến lắp đặt, sử dụng camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải, được thực hiện kể từ ngày 01/01/2022.”
Theo đó, Chính phủ chỉ quyết định tạm ngưng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện các hành vi quy định theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) liên quan đến việc lắp đặt, sử dụng camera lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10, Bộ Giao thông vận tải khẳng định đã và sẽ tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện và kể từ ngày 01/01/2022 các lực lượng chức năng sẽ xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 100.
>>>Sắp đến hạn cuối lắp camera, nhiều doanh nghiệp vận tải than khó
>>>Bộ GTVT kiến nghị lùi thời hạn xử phạt xe chưa lắp camera giám sát
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, sẽ không có gia hạn, từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp vẫn sẽ bị phạt nếu chưa lắp camera cho xe chở khách từ 9 chỗ trở lên.
Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải cũng giải thích rõ, chỉ phạt đối với các phương tiện tham gia kinh doanh vận tải mà chưa lắp. “Theo quy định của Nghị định 10 những phương tiện tham gia kinh doanh vận tải phải thực hiện theo đúng điều kiện kinh doanh. Còn đối với những phương tiện hiện nay đang nghỉ sẽ thực hiện lắp đặt theo lộ trình đưa phương tiện đó ra hoạt động kinh doanh vận tải, đảm bảo khi mà tham gia hoạt động kinh doanh phải có camera theo đúng quy định”, ông Đỗ Công Thuỷ nêu rõ.
Trước đó, Bộ GTVT đã nhận được Phiếu chuyển số 2414/PC-VPCP ngày 13/12/2021 của Văn phòng Chính phủ chuyển đơn thư kiến nghị đề ngày 01/12/2021 của HTX Thiên Ân gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin lùi thời gian lắp camera đối với xe ô tô kinh doanh vận tải và Đơn kêu cứu của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Vận tải Quân Trung.
Trong văn bản này, công ty Quân Trung đề nghị cho phép lùi thời gian thời gian xử phạt vi phạm hành chính liên quan việc lắp camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải đến sau ngày 31/12/2023 điều chỉnh quy định của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP theo hướng cho doanh nghiệp vận tải du lịch được tùy nghi lựa chọn việc lắp đặt hoặc không lắp đạt camera để phù hợp với đặc thù hoạt động của từng doanh nghiệp, từng loại hình vận tải.
Tuy nhiên, đối với vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, ngày 17/01/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (Nghị định 10).
Nghị định nêu rõ: Trước ngày 01/7/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe và cửa lên xuống của xe) trong quá trình xe tham gia giao thông; xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công ten nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn đề này, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đề xuất “hoãn” thực thi quy định là cần thiết. “Ngay cả có bắt buộc thì doanh nghiệp cũng khó thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Thậm chí, có lắp thì cũng không có tác dụng gì khi mà các phương tiện này đa số đang “đắp chiếu”, việc hoãn này cũng là đúng chủ trương của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp”, TS Phan Đức Hiếu nhận định.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 14/12/2021
11:00, 24/07/2021
15:33, 15/06/2021