Bạc Liêu: Thu hút doanh nghiệp bằng lợi thế cạnh tranh

LƯU VÂN thực hiện 21/11/2023 14:33

Bạc Liêu luôn chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, hợp tác kinh doanh. Sự thành công của doanh nghiệp chính là sự phát triển của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ doanh nghiệp, từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU nhấn mạnh việc tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời hàng năm ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

- Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh trong thực thi các chính sách, góp phần đưa Bạc Liêu tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thưa ông?

Thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương đã năng động, phát huy tinh thần tiên phong, thái độ làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tập trung rà soát thủ tục hành chính ở các lĩnh vực trọng tâm như: Đất đai, xây dựng, đầu tư, đăng ký kinh doanh,… các cấp chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã tăng cường đối thoại gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiện nay, tỉnh có 72,5% tổng số TTHC có thể thực hiện trực tuyến; trong đó dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 53% tổng số TTHC của tỉnh. Bạc Liêu đang phấn đấu nâng tổng số dịch vụ công trực tuyến cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh đạt 100% TTHC đủ điều kiện thực hiện trực tuyến và có phát sinh hồ sơ.

Tỉnh cũng thực hiện có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; Bộ phận một cửa tại các xã, phường, thị trấn; tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết thủ tục hành chính để tăng tính liên thông và minh bạch.

Bạc Liêu ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gồm: Phát triển nông nghiệp, trọng tâm là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển năng lượng sạch; du lịch;giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển.

- Thưa ông, vậy đâu là lợi thế cạnh tranh của tỉnh trong thu hút đầu tư?

Bạc Liêu rất giàu tiềm năng trong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, dựa trên các lợi thế như: có bờ biển dài hơn 56 km, vùng ven biển có gió mạnh, ổn định, bình quân gần 7 m/s. Thời tiết quanh năm có nắng với số giờ nắng bình quân đạt trên 2.518,90 giờ/năm. Địa hình tương đối bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng bởi bão, thiên tai...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 08 dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức, với tổng công suất là 469,2MW, đứng thứ 3 trên cả nước, với tổng mức đầu tư hơn 23.841 tỷ đồng, đã phát điện lên lưới Quốc gia với tổng sản lượng điện gió đạt trên 02 tỷ kWh. Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu, với quy mô công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 04 tỷ USD. Đây là dự án 100% vốn FDI với công nghệ hiện đại, kỳ vọng giúp Bạc Liêu trở thành một trong những Trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước.

 Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao giấy chứng nhận đăng ký cho các nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao giấy chứng nhận đăng ký cho các nhà đầu tư.

Bạc Liêu còn có nguồn nguyên liệu về nông, thủy sản rất dồi dào, đây là thế mạnh để tỉnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện, tỉnh đang thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đến nay tỉnh đã đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” quy mô 418,91 ha, với tổng vốn đầu tư 3.217 tỷ đồng.

Ngoài ra, tỉnh còn nhiều thế mạnh trong phát triển du lịch, không chỉ được biết đến là cái nôi của nghệ thuật Đờn ca tài tử với bản “Dạ cổ Hoài Lang” vang danh mà còn là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh đẹp, với các điểm du lịch nổi tiếng như: Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu Quán âm Phật Đài, cánh đồng điện gió trên biển… hứa hẹn rất lớn cho một Bạc Liêu - điểm đến hấp dẫn của du lịch Việt Nam.

- Xin ông cho biết đôi nét về kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022?

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 9,6%, đứng thứ 04 so với vùng ĐBSCL, đứng thứ 15 so với các tỉnh, thành cả nước; thu ngân sách địa phương vượt 25,65% dự toán, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,15% so cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,12%... 10 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu tiếp tục phát triển khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9%; thu ngân sách nhà nước đạt 94,85% dự toán. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Bạc Liêu: Quyết tâm cùng cả nước gỡ thẻ vàng IUU

    14:19, 30/09/2023

  • Bạc Liêu: Điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư

    02:46, 04/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bạc Liêu: Thu hút doanh nghiệp bằng lợi thế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO