Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều đột phá về công tác CCHC, vươn lên Top đầu những địa phương có chỉ số CCHC cao nhất cả nước.
>>> Bắc Ninh sắp có thêm hai nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp công suất lớn
Với các chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn và minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, Bắc Ninh luôn là điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh đã phát huy tốt vai trò tham mưu trong công tác CCHC, qua đó công tác CCHC trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, thống nhất và hiệu quả đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đã đặt ra.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Trọng Tân về CCHC để thu hút đầu tư; từ đó tiếp tục nâng cao số hạng về chỉ số hài lòng người dân, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp với phương châm “Trải thảm đỏ để thu hút đầu tư”.
- Công tác CCHC là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh, gắn liền với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành. Ông hãy cho biết tỉnh đã thực hiện quyết tâm như thế nào?
Có thể nói, Với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng thuận của các cấp công tác CCHC được triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực nâng cao chỉ số, thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX tỉnh Bắc Ninh năm 2021 đạt 86,67 điểm (tăng 1,37 điểm so với năm 2020), đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 đạt 90,09%, đứng thứ 07/63 tỉnh thành phố trong cả nước (tăng 0,4% và 02 bậc so với năm 2020).
Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CCHC của cơ quan, đơn vị. Phải lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác CCHC để đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm đối với tập thể, cá nhân các cơ quan, đơn vị. Đó là yêu cầu mà tỉnh Bắc Ninh chúng tôi đề ra.
Bằng nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bắc Ninh đã đón nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư như: Samsung, Canon, Hồng Hải, Nokia - Microsoft…
Sau một thời gian cắt giảm, đơn giản hóa mạnh mẽ các quy định TTHC, theo kết quả đánh giá, năm 2021 Bắc Ninh là một trong 2 địa phương đạt kết quả chỉ số thành phần “Cải cách TTHC” cao nhất cả nước.
Một trong những giải pháp mà Bắc Ninh đang quyết liệt thực hiện, đó là đẩy mạnh CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trong những năm qua tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp, sáng kiến đẩy mạnh cải cách quy trình giải quyết TTHC; rút ngắn tối thiểu thời hạn giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các TTHC liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh; Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm hạn; Kiện toàn hệ thống một cửa các cấp và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn toàn tỉnh,...
Đây là một trong những nỗ lực của tỉnh nhằm công khai, minh bạch các TTHC để hỗ trợ các nhà đầu tư giảm chi phí thời gian, chi phí cho TTHC và các chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang duy trì tốt hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến; trong đó, toàn tỉnh đã cung cấp dịch vụ công mức độ 3, 4 là 1.367 dịch vụ chiếm 79,2% tổng số dịch vụ công; tích hợp 804 dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành việc duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 và TCVN 9001:2015 cho 172 cơ quan theo đúng tiến độ, gồm: 114 cơ quan duy trì, áp dụng Hệ thống TCVN ISO 9001:2015; 58 cơ quan duy trì, áp dụng Hệ thống TCVN ISO 9001:2008.
Ngoài ra, Bắc Ninh tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu Quốc gia, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu về dân cư, đất đai kết nối với cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp. Quản trị, vận hành, duy trì họat động Trung tâm dữ liệu thành phố thông minh ổn định, hiệu quả, đảm bảo an toàn thông tin với 32 hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh được triển khai cài đặt gồm: các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh (như hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống cổng thông tin điện tử, hệ thống một cửa điện tử tích hợp dịch vụ công trực tuyến với nền tảng thanh toán Paygov (của Bộ TTTT triển khai); Triển khai thử nghiệm Biên lai điện tử VNPT tích hợp với hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công của tỉnh; Tích hợp thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính với các thủ tục đất đai trên địa bàn tỉnh trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; hệ thống cơ sở dữ liệu nền địa lý,...). Từ đó, tạo thành một hệ thống đồng bộ, hoạt động ổn định, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Tuyên truyền cải cách TTHC bằng nhiều hình thức, thiết thực, hiệu quả thực hiện việc trao đổi, đối thoại với tổ chức, công dân trên các phương tiện truyền thông; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch bưu chính công ích; tuyên truyền kênh thông tin kết nối người dân, doanh nghiệp như: Tổng đài Thông tin dịch vụ công; công khai số điện thoại, Email của lãnh đạo cơ quan, địa phương tại nơi đông dân cư; tiếp nhận kiến nghị qua Cổng Thông tin điện tử Tỉnh, mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
>> Cải cách hành chính: Nói là làm, không hình thức!
Đối với một tỉnh công nghiệp như Bắc Ninh, CCHC có vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh Bắc Ninh với phương châm lấy “Doanh nghiệp là động lực của phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là mục tiêu phát triển. Doanh nghiệp và người dân phải là đối tượng phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp”. Để đột phá trong việc CCHC điều quan trọng là luôn phải vượt qua chính mình với phương châm “nói thật, làm thật”, củng cố niềm tin của doanh nghiệp và nhân dân.
Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương, hướng tới từng bước xây dựng thành phố thông minh, chính quyền đô thị quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Đó là quyết tâm, là mục tiêu mà tỉnh Bắc Ninh chúng tôi đề ra.
- Ông hãy cho biết thành quả kinh tế - xã hội mà tỉnh Bắc Ninh đạt được thời gian qua?
Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được nhiều dự án FDI lớn và luôn là tỉnh dẫn đầu cả nước, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Lũy kế, đến nay trên địa bàn tỉnh đã cấp đăng ký đầu tư cho 1.717 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt gần 21,2 tỷ USD; xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố về số dự án và xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký. Hiện nay, có 38 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào tỉnh, trong đó Hàn Quốc và Nhật Bản là các quốc gia có số lượng dự án và số vốn đầu tư đứng đầu toàn tỉnh. Kết quả thu hút đầu tư cho thấy hiệu quả của các chính sách, giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Bắc Ninh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Bắc Ninh luôn ở mức cao so với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Bình quân giai đoạn 1997-2021 tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 13,9%/năm. Năm 2021, GRDP tỉnh Bắc Ninh tăng 6,9%, đứng thứ 13 cả nước - gấp 23,8 lần năm 1997; Quy mô nền kinh tế đứng thứ 8 cả nước - đưa giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 155,6 triệu đồng/người đứng thứ 4 cả nước gấp 70,7 lần năm 1997; tổng thu ngân sách nhà nước 33,26 nghìn tỷ đồng, gấp 168 lần so với năm 1997.
Điều này cho thấy đánh giá tốt của doanh nghiệp về những nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
- Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh -nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giai đoạn 2021 -2025. Bắc Ninh đã đề ra các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh như thế nào thưa ông?
Đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh bền vững, dài hạn thông qua việc liên tục cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số thành phần cấu thành PCI của tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh CCHC đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới dựa trên Đề án CCHC và ứng dụng CNTT, xây dựng thành phố thông minh giai đoạn 2021; Phấn đấu thứ hạng các Chỉ số CCHC (PAR Index), ứng dụng CNTT (ICT Index) nằm trong nhóm 5 và đẩy mạnh chuyển đổi số, để tạo điều kiện thuận lợi cho Chỉ số PCI nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước.
Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 - 2025 cụ thể như sau:
Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 717/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đổi mới hoạt động nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Hành chính công và bộ phận một cửa, góp phần cải thiện các Chỉ số đánh giá chất lượng của địa phương, phấn đấu xếp hạng Chỉ số CCHC (PAR Index) nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước, tác động trực tiếp đến cải thiện Chỉ số PCI; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT thực chất, bền vững, vận hành mô hình thành phố thông minh hiệu quả, công khai, minh bạch thông tin, phấn đấu xếp hạng Chỉ số ứng dụng CNTT (ICT Index) nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện chỉ số đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp và lao động; Nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình khôi phục sản xuất trong và sau dịch COVID-19; Đánh giá, dự báo hiệu quả thực hiện và quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu địa phương quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh quyết tâm giữ vững tốp 10 Chỉ số PCI và tốp 15 chỉ số CCHC. Với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp,...Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Ninh là thành phố trực thuộc Trung ương – có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao - trở thành cực tăng trưởng của vùng Thủ đô và Vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ - là trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước. Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Ninh là thành phố công nghiệp công nghệ cao, thông minh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
22:27, 27/04/2022
Lào Cai tạo đột phá trong cải cách hành chính
11:23, 01/04/2022
Hải Dương: Đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính để thu hút đầu tư
01:08, 23/03/2022
Đắk Nông: 3 lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư
10:05, 22/06/2022
Quảng Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hai khu kinh tế trọng điểm
01:52, 19/06/2022