Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố giải cứu tập đoàn ZTE (Trung Quốc) sau lệnh cấm tại Mỹ là bài học cho tất cả các đối tác của Mỹ về sự lệ thuộc vào công nghệ cao, chính sách của quốc gia này.
ZTE là một tập đoàn công nghệ cao lớn thứ 4 tại Mỹ và là khách hàng không phải lớn nhất nhưng cũng rất quan trọng của các hãng công nghệ cao về linh kiện điện tử và bán dẫn ở Mỹ như Intel và Qualcomm.
Đánh đổi giải cứu ZTE
Đã có một thời trong quá khứ, ZTE nhập hàng của Mỹ rồi cung cấp cho Iran và Triều Tiên khi cả hai nước này đều bị Mỹ trừng phạt về kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư. Bởi vậy, ZTE đã từng bị phía Mỹ phạt 968 triệu USD và còn có nguy cơ bị phạt thêm tiền. Nhưng nguy hiểm và tai hại nhất đối với ZTE là tập đoàn này mới đây bị Bộ Tài chính Mỹ cấm nhập khẩu linh kiện từ Mỹ trong thời gian 7 năm. Cú đòn này nặng đến mức ZTE buộc phải tuyên bố ngừng sản xuất ở Trung Quốc và 75.000 nhân công làm việc cho ZTE có nguy cơ bị thất nghiệp.
Mục đích của quyết định nói trên của Mỹ rất phù hợp với phương châm "Nước Mỹ là trên hết" của Trump. Thời điểm phía Mỹ tung ra biện pháp này cũng không phải không được cân nhắc kỹ càng khi Mỹ và Trung Quốc đang có chuyện khúc mắc về thương mại. Để tránh xô đẩy nhau đến chiến tranh thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán với nhau để khắc phục bất đồng. Tuy nhiên, vòng đàm phán đầu tiên đã diễn ra ở Trung Quốc nhưng chưa thành công và vòng tới đang được chuẩn bị ở Mỹ. Sách lược của phía Mỹ xem ra chỉ có thể tạo áp lực đối với Trung Quốc ở điểm này để ép Trung Quốc phải nhượng bộ ở chỗ khác.
Việc Mỹ ra đòn với ZTE trên danh nghĩa chẳng liên quan gì đến bất đồng thương mại hiện nay giữa hai nước, bởi ZTE vi phạm quy định của Mỹ về trừng phạt Iran và Triều Tiên, chứ không phải bởi vì phía Mỹ thực thi chính sách bảo hộ thương mại. Nhưng suy tính của phía Mỹ là, nếu Trung Quốc muốn Mỹ nhượng bộ cho ZTE thì Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ trong tranh chấp thương mại. Ông Trump đã bất ngờ tỏ ra thiện chí và thông cảm với tình cảnh của ZTE và cho biết đã chỉ thị các cơ quan chính phủ liên bang Mỹ xem xét lại việc này. Thông điệp của ông Trump chỉ có thể là nếu Trung Quốc chịu nhượng bộ thương mại với Mỹ, thì ZTE sẽ được giải cứu.
Trả giá cho lệ thuộc
Trung Quốc có lợi ích to lớn và lâu dài trong việc phải nỗ lực giải cứu ZTE. Vấn đề đặt ra ở đây đối với Trung Quốc là, Mỹ sẽ tạo tiền lệ với ZTE để nhằm vào những tập đoàn hàng đầu về công nghệ cao của Trung Quốc. Cứ như thế, Mỹ sẽ cản trở Trung Quốc thực hiện thành công chương trình "Made in China 2025" đầy tham vọng của Trung Quốc. Với chương trình này, Trung Quốc kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia hàng đầu, đương nhiên là vượt Mỹ, về công nghệ cao trên thế giới. Trong chương trình đó, Trung Quốc đã xác định cụ thể 10 lĩnh vực công nghệ cao mà Trung Quốc cho là sẽ quyết định sự phát triển của nhân loại trong thế kỷ 21, như trí tuệ nhân tạo, tự động hoá, vật liệu mới...
Hiện tại, Trung Quốc còn thua kém Mỹ về công nghệ cao và vì thế còn phải phụ thuộc vào Mỹ như ZTE đang phụ thuộc vào Intel hay Qualcomm. Trung Quốc ý thức được thế và lực hiện tại nên phải khôn khéo với Mỹ, chấp nhận cương nhưng cũng sẵn sàng nhu với Mỹ. Trong chuyện này, Mỹ và Trung Quốc hiện không thiếu con bài để chơi nhau đến sát ván, nhưng cả hai đều luôn phải để ý đến điểm dừng của mình. Chẳng hạn như năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu linh kiện bán dẫn, điện tử từ Mỹ trị giá 260 tỷ USD. Chỉ cần Trung Quốc thay đổi đối tác, thì Mỹ sẽ gặp khó khăn và áp lực nội bộ rất ghê gớm.
Mỹ là đối tác kinh tế của rất nhiều nền kinh tế trên thế giới. Bài học từ câu chuyện của ZTE cho tất cả các đối tác này là bài học về trả giá cho lệ thuộc vào công nghệ cao của Mỹ, các tập đoàn của Mỹ, thị trường Mỹ và chính sách của Mỹ. Ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ và những quyết sách của ông cho tới nay đều đưa lại những bằng chứng rất thuyết phục là, từ phía Mỹ không có cái gì chắc chắn bền vững mãi mãi. Thay đổi nhân sự luôn ẩn chứa khả năng “tân quan, tân chính sách”. Rủi ro đối với các đối tác của Mỹ chính ở đó. Vì vậy, đa dạng hoá nguồn cung ứng là một định hướng có ý nghĩa chiến lược của các đối tác của Mỹ; đồng thời ràng buộc lợi ích giữa doanh nghiệp của họ và doanh nghiệp của Mỹ cũng là giải pháp rất hữu dụng. Việc nhanh chóng tự chủ được về công nghệ cao là mục tiêu đạt được càng nhanh chóng càng tốt cho các nền kinh tế này.