Bài phát biểu của Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

. 05/01/2022 17:35

Bài phát biểu của Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025

TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI DOANH NGHIỆP

Thời gian: 13h30 – 17h00, Thứ Năm, ngày 09/12/2021

Địa điểm: Tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội

BÀI PHÁT BIỂU CỦA LÃNH ĐẠO VCCI

Kính thưa các quý vị!

Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để tiếp tục bàn thảo về một vấn đề trọng yếu cho những năm tiếp theo: tái cơ cấu nền kinh tế 2021 – 2025 và những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp.

Trong tuần qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chuyên môn như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch đầu tư đã có nhiều cuộc “hội nghị Diên Hồng” để bàn giải pháp phát triển bền vững nền kinh tế.

Bởi hơn lúc nào hết, sau 5 năm đến nay, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực, song trước đại dịch COVID-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế.

Thưa các quý vị, các doanh nghiệp!

Nhìn lại 05 năm qua, đã có nhiều dấu ấn tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế  từ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế, bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; hình thành đồng bộ và thúc đẩy phát triển các loại thị trường. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thúc đẩy; chuyển đổi số, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư...  Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội…

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao; đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường....

Khu vực tư nhân phát triển chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế; mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Mặt khác, còn có những tồn tại, bất cập trong không ít quy định hiện hành đang gây khó khăn việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. cách thể chế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện, đủ rộng và đủ mạnh để chuyển sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

Thưa các doanh nghiệp, các quý vị!

Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá. Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm, cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016-2020 là 5,8%.

Mặt khác, trong tình hình đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số và sự thay đổi đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Thưa các doanh nghiệp, các quý vị!

Nhưng việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh khắc nghiệt và luôn thay đổi và đặc biệt là sự bất ổn trong đại dịch toàn cầu nên doanh nghiệp cần vận động để điều chỉnh và thích ứng.

Doanh nghiệp phải tính tới việc tái cơ cấu khi xuất hiện những “triệu chứng” thuộc về “hạ tầng cơ sở” liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến kết quả hoạt động hàng ngày như thị phần teo lại làm doanh số sụt giảm, công nợ nhiều làm cơ cấu tài chính không phù hợp và tăng chi phí sử dụng vốn, thiếu công cụ giám sát, nhân viên làm việc không có động lực, lãnh đạo cấp cao không đồng thuận và chủ yếu giải quyết sự vụ, không rõ cơ chế phân quyền và thiếu sự phối hợp giữa các bộ phận... Việc tái cơ cấu cũng cấp thiết không kém bởi điều đó liên quan tới những vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp như mục tiêu, tầm nhìn và định hướng chiến lược, triết lý kinh doanh, giá trị cốt lõi và văn hóa doanh nghiệp...

Để làm được những điều đó, VCCI rất mong nhận được ý kiến từ các quý vị tại Diễn đàn: TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025: NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI DOANH NGHIỆP

Chúc các quý vị thành công!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bài phát biểu của Phó Chủ tịch VCCI tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO