Năm 2024, Việt Nam cần dựa trên 3 động lực phát triển, đó là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công.
>>“Bước chạy đà” của kinh tế Việt Nam trong tháng đầu năm 2024
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch chia sẻ về những động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, cả 3 trụ cột đó đều phải được tiếp tục thực hiện trong 2024. Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định tỷ giá hối đoái vì tác động rất quan trọng cho xuất khẩu.
Thứ hai, giải ngân đầu tư công. Năm 2023, nhiều địa phương chưa đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công. Do đó, năm 2024 phải tập trung thực hiện, nhất là những dự án trọng điểm. Thứ ba, thị trường nội địa trong năm 2023 đã sụt giảm.
"Các chính sách của Chính phủ đã ban hành năm vừa qua rất nhiều, nhưng có nhiều chính sách chưa đạt mục đích. Nếu chúng ta quyết tâm, tiếp tục thực hiện và nâng tầm thúc đẩy mạnh hơn trong năm 2024 thì mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5% là khả thi", chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phân tích, thị trường nội địa rất quan trọng. Năm 2024, Chính phủ phải mạnh dạn kích thích tín dụng tiêu dùng để thúc đẩy tăng tổng cầu, kích thích thị trường trong nước.
“Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% đã được kéo dài đến giữa năm 2024 nhưng nên kéo dài đến hết năm”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đề xuất.
Bên cạnh đó, phải tháo gỡ được những điểm nghẽn của các dự án bất động sản, thúc đẩy tín dụng cho người mua nhà hay chính sách tín dụng cho dự án nhà ở xã hội cần tiếp tục triển khai.
Đối với chính sách tín dụng, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch đánh giá cao 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 để kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường.
“Nhưng chúng ta vẫn chưa có giải pháp tài chính nào cho các DNNVV. Nếu chỉ hướng DNNVV tiếp cận vốn tại ngân hàng thương mại thì rất khó. Do đó, Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ tài chính, vốn cho DNNVV. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để nuôi dưỡng và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển”, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đối với đầu tư công, các địa phương phải tăng tốc, nỗ lực giải ngân được số tiền đã bố trí trong năm 2023 chưa sử dụng hết và cả năm 2024. Do đây vẫn là một động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước.
>>Xuất khẩu rau củ quả sẽ đạt kỷ lục mới?
>>Doanh nghiệp có thêm đơn hàng, xuất khẩu tăng trưởng dương
Bình luận về các động lực tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tiếp đà tăng trưởng xuất nhập khẩu của quý IV/2023 làm động lực tăng trưởng cho năm 2024.
Thực tế, năm 2023 một số ngành nghề bị thiếu đơn hàng, nhưng nguyên nhân không phải chỉ do khách không đặt hàng mà do doanh nghiệp chậm thay đổi mẫu mã, chậm xanh hóa nhà máy nên chưa đáp ứng được yêu cầu của một số thị trường.
“Do đó, các chính sách trong năm 2024 cần chú trọng tăng cơ hội cho doanh nghiệp đáp ứng chuẩn xanh hóa mà các thị trường đặt ra”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.
Vẫn theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, năng lượng tái tạo là một trong nhu cầu cấp thiết, các cơ chế, chính sách liên quan phát triển năng lượng tái tạo cho nhà máy, nhà xưởng, khu công nghiệp… cần được tháo gỡ và tạo điều kiện tốt hơn, không nên để chậm trễ.
“Cùng với việc đẩy mạnh khai thác các thị trường mà Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 chắc chắn sẽ cao hơn năm 2023”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
04:40, 03/02/2024
01:04, 25/01/2024
03:15, 14/01/2024