Nhân tài IT thường được các doanh nghiệp “lấy hết” nhờ mức đãi ngộ hấp dẫn. Không chỉ Việt Nam mà thế giới cũng vấp phải vấn đề này.
Tại phiên họp của Thường trực HĐND thành phố về đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn ngày 15/11, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ rằng, chính quyền khó cạnh tranh nhân lực IT với doanh nghiệp vì tuy nguồn nhân lực công nghệ thông tin ở thành phố dồi dào nhưng nhu cầu của doanh nghiệp cũng rất lớn, trả lương cao nên khối nhà nước rất khó cạnh tranh. Điều này dẫn tới việc thiếu nhân lực IT chuyên môn cao trong cơ quan nhà nước trở thành một trong các khó khăn của công tác chuyển đổi số của TP HCM.
Mặc dù TP HCM ban hành hai nghị quyết thu hút chuyên gia, nhân tài trong một số lĩnh vực với nhiều chế độ vượt trội như: tiền lương được điều chỉnh linh hoạt theo khả năng đóng góp; hỗ trợ ban đầu lên đến 500 triệu đồng; tạo điều kiện về chỗ ở; v.v. để thu hút nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nhưng thực tế chưa phát huy được nhiều, tác động chưa rõ nét nên khó thu hút được nhân lực như doanh nghiệp.
Một trong những rào cản lớn nhất là tiền lương. Đơn cử như một người tốt nghiệp đại học chuyên ngành IT, là chuyên viên công nghệ thông tin hạng 4 lương khởi điểm là 4-9,5 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp chuyên viên công nghệ thông tin hạng I có bằng thạc sĩ, có thâm niên, chứng chỉ bồi dưỡng, nghiệp vụ theo quy định sẽ nhận mức lương tối đa gần 19 triệu đồng.
Trong khi đó, theo số liệu của nền tảng tuyển dụng chuyên về IT TopDev, mức lương trung bình của lập trình viên tại Việt Nam vào năm 2024 ước tính nằm trong khoảng từ 1.100 đến 3.000 USD mỗi tháng (khoảng 27 đến hơn 73 triệu đồng), tùy theo kỹ năng và kinh nghiệm. Đặc biệt, các vị trí chuyên sâu như kỹ sư AI và chuyên gia bảo mật thông tin có thể nhận được mức lương vượt xa số trung bình.
Việc khối nhà nước khó cạnh tranh với doanh nghiệp trong thị trường lao động công nghệ thông tin đang là một bài toán khó đối với nhiều nước trên thế giới, ngay cả chính phủ Mỹ cũng không ngoại lệ.
Vào những năm đại dịch COVID-19, các tập đoàn công nghệ gặp khó khăn phải sa thải nhiều nhân viên IT và ngay lập tức, chính phủ Mỹ tranh thủ “vợt” những người này về vì bình thường chính phủ rất khó tuyển dụng được nhưng người như vậy.
Keith Wilson, giám đốc thu hút nhân tài của US Digital Response (một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ chính phủ về chuyên môn kỹ thuật số) cho biết thời gian đó là một cơ hội hiếm hoi để tuyển dụng được nhân lực IT chất lượng.
Năm 2023 đó cũng là một năm thành công của Bộ Cựu chiến binh Mỹ khi họ đạt được chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự mảng công nghệ.
Mặc dù gặp phải cơ hội hiếm có, nhưng chính phủ Mỹ cũng phải cố gắng rất nhiều. Để đạt kết quả này, họ đã cố gắng tăng lương, trung bình khoảng 18.000 USD, nhằm thu hẹp khoảng cách lương giữa cơ quan nhà nước và công ty tư nhân. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phải ký luật cơ sở hạ tầng trị giá 1 nghìn tỷ USD, trong đó dành ngân sách 1 tỷ USD để hỗ trợ vấn đề an ninh mạng cho các cơ quan địa phương và liên bang.
Trên thực tế, các cơ quan nhà nước phải cố gắng rất nhiều nếu muốn thu hút nhân tài công nghệ, bởi các quy trình quan liêu và chậm chạp luôn là vấn đề cố hữu. Họ sẽ gặp khó khăn nếu muốn theo kịp các chiến lược tuyển dụng của những công ty tư nhân.
Như vậy có thể thấy, việc khó thu hút được nhân tài công nghệ vào khối chính quyền là một bài toán khó “mang tính quốc tế”. Thành thử, việc HĐND TP HCM cũng cho rằng nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt giúp chuyển đổi số thành công nhưng hiện vẫn còn hạn chế, do đó, cơ quan này đề xuất UBND thành phố tập trung tháo gỡ các rào cản, đề xuất chính sách phù hợp để thu hút nhằm bảo đảm chương trình chuyển đổi số đạt được mục tiêu đã đề ra là một điều rất đáng quan tâm.