Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Bamboo Airways dường như chưa mang lại thành công đáng kể nếu nhìn từ khía cạnh lợi nhuận nhưng lại có những dấu ấn đặc biệt trên thị trường hàng không Việt.
>>Bamboo Airways khai trương đường bay thường lệ tiếp theo kết nối Singapore
Báo cáo tài chính của FLC tính đến hết quý I năm 2022, Bamboo Airways (BA), con đẻ của tập đoàn FLC với số vốn hiện nắm 21,7% tiếp tục báo lỗ hơn 150 tỷ VND, nâng số lỗ của FLC lũy kế lên tới hơn 654 tỷ VND.
Với lối đi riêng ngay từ khi thành lập, tự định vị mình trên thị trường với một khái niệm lạ tai với công chúng thời đó, “hàng không lai” (Hybrid). Thế nhưng, luồng gió mới này có lẽ vẫn cần thêm gió.
Định vị lai
“Lai” được xem là bước tiến mới trong ngành hàng không thế giới, sau thời gian dài chỉ tồn tại hai loại hình hàng không truyền thống và hàng không giá rẻ. Lai là một mô hình nằm giữa truyền thống và giá rẻ.
Bay với hàng không truyền thống, bạn sẽ được phục vụ đầy đủ các dịch vụ tiện nghi, đi kèm với giá cao.
Bay với hàng không giá rẻ, các loại tiện ích sẽ bị cắt giảm tối đa để tiết kiệm chi phí, từ suất ăn, phương tiện giải trí, hành lý miễn cước, bảo hiểm cho đến diện tích ghế ngồi.
Ba hãng hàng không lớn nhất ở Việt Nam hiện nay thì Vietnam Airlines (VNA), được định vị là hàng không truyền thống, nhưng họ có công ty con Pacific Airlines, với định vị giá rẻ để bảo vệ thị phần. Còn VietJet, với định vị từ đầu là hàng không giá rẻ.
Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 6 năm 2017, ông Đặng Tất Thắng – Tổng giám đốc BA khẳng định định vị lai của BA chính là một luồng gió mới, xóa nhòa ranh giới giữa truyền thống và giá rẻ:
“Chúng tôi định vị Bamboo Airways là hãng hàng không ‘hybrid’ – Loại hình dịch vụ lai ghép giữa hai loại hình kinh doanh đã tồn tại, nhằm hướng tới một dịch vụ đáp ứng được nhiều loại nhu cầu khác nhau của mọi phân khúc hành khách. Bamboo Airways sẽ cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một hãng hàng không truyền thống, với giá cả hợp lý”.
>> Ông Đặng Tất Thắng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch FLC và Bamboo Airways
Tuy nhiên, mặc dù giá rẻ nhưng BA không ngừng nỗ lực để duy trì tỷ lệ bay đúng giờ dẫn đầu ngành hàng không nội địa. Cuối tháng 4 vừa rồi, Cục Hàng không Việt Nam công bố Bamboo Airways tiếp tục dẫn đầu nhóm 3 hãng bay nội địa lớn nhất Việt Nam về tỷ lệ bay đúng giờ với tỷ lệ 97,5%.
Ngoài ra, để cạnh tranh với các hãng hàng không truyền thống, BA cũng đầu tư mạnh để nâng cao chất lượng dịch vụ. Theo họ, chất lượng dịch vụ của BA được đánh giá tích cực với tỷ lệ khách hàng hài lòng luôn duy trì ở mức 4,5/5 và được bình chọn là Hãng hàng không khu vực hàng đầu châu Á, Hãng hàng không có dịch vụ tốt nhất, Hãng hàng không được người chơi golf yêu thích nhất tại Việt Nam, v.v..
Không những thế, BA còn tìm cách khai thác các thị trường ngách, những địa phương mà VNA chưa chú ý tới, đồng thời kết hợp với FLC để khai thác chuỗi cung ứng phục vụ du lịch, đi lại.
Nhưng định vị này của BA dường như chưa mang lại thành công đáng kể nếu nhìn từ khía cạnh lợi nhuận. Thêm vào đó, từ lúc ra đời cho đến nay, hãng này gặp rất nhiều sóng gió mang tính hủy diệt: từ đại dịch Covid 19 đến cuộc chiến Nga - Ukraine khiến giá xăng dầu tăng cao hay như vụ việc Chủ tịch FLC dính vòng lao lý.
Thế nên, để thoát khỏi giai đoạn khó khăn này, đón chào cơ hội và giai đoạn phát triển mới, có lẽ BA cần thêm “gió” để bay cao hơn.
Cần thêm “gió”
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42 - 47 triệu lượt hành khách, tăng từ 170% - 200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Sản lượng hàng hoá vận chuyển đạt 1,524 triệu tấn hàng hoá, tăng 16,4% so với năm 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.
Gần 60 đường bay nội địa đã được khai thác trở lại với tần suất 700-800 chuyến/ngày. Việt Nam cũng đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Hảo, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, trong khi nguồn doanh thu hàng không chủ yếu đến từ đây, nhất là với hãng lớn như VNA.
Dự kiến năm 2022, hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không vẫn tiếp tục gặp khó khăn. Thậm chí, giai đoạn cuối tháng 3/2022, khi đà tăng của giá dầu thô có dấu hiệu chững lại thì giá xăng máy bay Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao.
Thêm vào đó, do các tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.
Như vậy, giai đoạn khó khăn còn kéo dài thêm một thời gian nữa và khó khăn nhất là BA bởi trong ba hãng hàng không Việt, VNA có hậu thuẫn lớn còn VietJet kinh doanh có lãi. Còn hậu thuẫn của BA là FLC thì đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn về mặt tài chính.
Cuộc chơi của các hãng hàng không luôn là cuộc chơi tài chính. Nhiều hãng hàng không Việt đã sụp đổ bởi nguyên nhân này như Indochina, mặc dù dịch vụ của hãng này từng được đánh giá rất tốt. Hay như Air Mekong, một hãng hàng không khai thác cả dịch vụ truyền thống và giá rẻ, đánh vào các thị trường ngách cũng sụp đổ theo nhiều chuyên gia là do vấn đề tài chính, không thể tiếp tục “gồng lỗ”.
Còn như Vietravel Airlines, do lỗ liên tiếp, cuối năm 2021 đã phải bán 55,58% vốn điều lệ với giá 867 tỷ đồng.
Để tránh khỏi những vết xe đổ đó, có lẽ rất nhanh trong tương lai, chúng ta sẽ thấy BA tìm cách thu hút những luồng “gió” mới để họ có thể chắp cánh bay cao.
Có thể bạn quan tâm