Theo TS. Nguyễn Đức Độ, để hỗ trợ doanh nghiệp, thì cần ban hành một chính sách mới, chứ không phải kéo dài chính sách giãn hoãn thuế như tại Nghị định 52/2021 ban hành từ hồi tháng 4.
>>Giãn, hoãn thuế: Doanh nghiệp cần có kịch bản dự phòng
Trong gần hai năm qua, trước những khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp và người dân, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tháng 4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP nhằm gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất năm 2021 cho nhiều đối tượng.
Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền và tiền thuê đất được gia hạn theo Nghị định 52 là 115.000 tỷ đồng. Thực hiện Nghị định, đồng nghĩa với việc huy động tiền vào ngân sách sẽ chậm hơn, nhưng trong bối cảnh đại dịch để lại những tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế, Chính phủ luôn mong muốn chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Nghị định 52 đã mở rộng thêm đối tượng, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, tuy nhiên giới chuyên môn đánh giá, ngay từ khi triển khai Nghị định này cũng bộc lộ những bất cập. Trước hết, Nghị định này chỉ tạm thời lùi thời gian thực hiện chính sách, vậy sau khi thời hạn tạm hoãn kết thúc vào cuối năm 2021, gánh nặng tài chính của doanh nghiệp sẽ bị cộng dồn.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing Tập đoàn BP Group cho biết, các chính sách giãn hay kéo dài thời gian nộp các khoản thuế thường được áp dụng trong vòng sáu tháng. Mà hiện nay, Chính phủ cũng có thông tin là sẽ mở cửa du lịch hoàn toàn trong năm 2022, vì thế sáu tháng là một con số rất khó để nói rằng có đủ hay không với doanh nghiệp.
“Ngay cả khi dịch bệnh qua đi, nhưng tâm lý của khách hàng chưa hoàn toàn ổn định như thời điểm trước năm 2019, vì thế, những chính sách này có thể kéo dài hơn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục tới đây”, ông Tú bày tỏ.
Theo một số doanh nghiệp, so với kỳ vọng về các chính sách chung để hỗ trợ doanh nghiệp, thì Nghị định 52 mới chỉ giải quyết được phần nào khó khăn hiện hữu. Bởi có rất nhiều bất cập có thể xảy ra, chẳng hạn có một số doanh nghiệp trả tiền thuê đất theo năm, vậy đối tượng được thụ hưởng sẽ bị giảm đi. Mặc dù đã có cải thiện, nhưng trong Nghị định chưa có điều khoản nào thực sự rõ ràng để giảm thiểu rủi ro về pháp lý cho doanh nghiệp.
Về vấn đề này, ông Vũ Thế Hải, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Chợ Tây Bắc chia sẻ: “Vềthu tiền thuê đất, chúng tôi có hai loại hình đó là thuê đất trả tiền một lần thì không được hỗ trợ gì vì chúng tôi đã nộp đủ rồi, còn thứ hai là nộp tiền thuê đất hằng năm.Nhưng hiện tại, doanh nghiệp đang cho người dân, tiểu thương thuê mặt bằng, thì tiền thuê đất đó chỉ là một phần trong cấu thành chi phí, ngoài ra còncó chi phí khấu hao, chi phí đầu tư, chi phí quản lý, vận hành trong quá trình hoạt động,...Do đó, khi doanh nghiệp miễn 100% cho người dân, thì tổng số tiền miễn đó ít nhất cũng phải gấp đôi, gấp ba tiền thuê đất mà hiện nay chúng tôi đang nhận được hỗ trợ của Nhà nước là miễn 30% tiền thuê đất thôi”.
Từ những chia sẻ trên, nhiều chuyên gia đánh giá, việc giãn hoãn thuế sẽ không đủ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, như thời gian qua hàng chục nghìn doanh nghiệp gặp khó khăn đến mức kiệt quệ, đóng cửa không có hoạt động sản xuất kinh doanh vì dịch bệnh, thì sẽ không thụ hưởng được chính sách.
>>Tăng nguồn lực phục hồi kinh tế
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giãn hoãn thuế chỉ là ở mức giãn hoãn thôi, còn việc giảm thuế là việc giúp cho doanh nghiệp có được tích lũy lớn hơn, từ đó có thể có điều kiện về mặt tài chính hỗ trợ phục hồi và phát triển trong cũng như sau đại dịch.
Vì thế, Nghị định 52 của Chính phủ đã ban hành từ tháng 4/2021, nên việc sửa đổi hay hay gia hạn khác dường như không phát huy được tác dụng trong bối cảnh mới như hiện nay. TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phân tích, để hỗ trợ doanh nghiệp thì cần ban hành một chính sách mới, chứ không phải kéo dài chính sách này nữa.
“Chúng ta đều thấy rằng, bối cảnh của hồi tháng 4 hoàn toàn khác với bây giờ, nên biện pháp cần hỗ trợ cũng phải thay đổi.Còn việc giãn hoãn thuế không có quá nhiều tác dụng, vì nó chỉ là kéo thời gian nộp thuế từ thời điểm này đến thời điểm khác,mà nhiều doanh nghiệp bị ngưng hoạt động nên cũng không có gì để thụ hưởng”, vị TS nói.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng kiến nghị năm 2022, Chính phủ và các thành viên nên đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cân nhắc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và linh hoạt trong cách điều hành chính sách. Như vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh mới nhanh về trạng thái như trước, nền kinh tế Việt Nam mới nhanh chóng hồi phục và phát triển.
Có thể bạn quan tâm
19:03, 28/12/2021
11:00, 27/12/2021
04:30, 25/12/2021
17:35, 20/12/2021