Cơ quan thẩm tra cũng cũng như nhiều ĐB tại phiên thảo luận đã bày tỏ băn khoăn trước các phương án xử lý đối với tài sản có nguồn gốc bất minh.
Theo đó, nên áp dụng phương án thu thuế hay xử phạt hành chính 45% với tài sản không xác minh được nguồn gốc, hay thậm chí không quy định gì với tài sản này.
Góp ý vào Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi tại phiên thảo luận tổ, ĐB Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay có điều kiện về công nghệ thông tin, toàn bộ dữ liệu có thể lưu trữ dễ dàng, nên việc mở rộng đối tượng kê khai là hợp lý. "Ta phải theo dõi ngay từ khi cán bộ có chức vụ, quyền hạn. Bởi nếu có dữ liệu để thẩm tra, xác minh thì công tác PCTN sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Chúng ta sẽ giám sát được những cán bộ có tài sản tăng bất thường hoặc có dư luận về tài sản bất minh" - ĐB Thể nhấn mạnh.
ĐB Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng việc kiểm tra bản kê khai tài sản hiện nay chưa chặt chẽ. Nếu phát hiện có hành vi vi phạm thì xử lý theo pháp luật, còn khi chưa phát hiện hành vi vi phạm thì phải ứng xử với tài sản đó như tài sản của một công dân bình thường. Với những tài sản lớn bất thường thì tiếp tục kiểm tra làm rõ.
ĐB Phạm Đình Cúc (Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà giải trình không hợp lý thì dự án luật đưa ra hai phương án.
Nếu kết luận người kê khai không trung thực thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập gửi xác minh tài sản cho cơ quan thuế và yêu cầu đánh thuế 45% tài sản. Ông Cúc viện dẫn công ước của Liên Hợp quốc và cho rằng nếu chứng minh tài sản do phạm tội, bất minh thì có thể đánh thuế được và phải chuyển cho tòa, khởi kiện chứ không thể chuyển sang thuế để thu.
“Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự thì việc chứng minh là trách nhiệm của cơ quan điều tra, kiểm sát chứ không phải của bị can, bị cáo chứng minh mình có phạm tội hay tài sản đó của mình hay không”, ĐB Cúc nói.
Đồng tình, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nêuquan điểm “không có vùng cấm trong kê khai tài sản, nhưng mức độ công khai tới đâu cần được xem xét. Vì mức độ công khai còn liên quan nhiều tới các yếu tố khác. Đơn cử như đối với các đại biểu Quốc hội ứng cử ở đâu thì phải công bố tài sản ở nơi đó để người dân có điều kiện giám sát”.
Cũng theo Đại biểu Nhưỡng, việc đánh thuế tài sản phải dựa trên căn cứ pháp lý và dựa trên cơ sở nào phải làm rõ, không phải tài sản dôi ra là đánh thuế. Hơn nữa, phần trăm thu thuế cũng phải tính toán, phải làm rõ cơ sở nào thu 45%.
ĐB Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội) cho biết: Căn cứ theo Báo cáo về dự án Luật, có nội dung “Đối với trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền xác định xử lý đối với việc kiểm soát tài sản và thu nhập của người có trách nhiệm kê khai, nếu như phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển qua cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý giải quyết hình sự” thì mới chỉ giải quyết được một vế của vấn đề, đó là giải quyết về tài sản tham nhũng vi phạm tội phạm hình sự, còn đối với các loại tài sản khác không có dấu hiệu vi phạm là tội phạm hình sự mà chỉ là tài sản do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết?
Có thể bạn quan tâm
15:15, 31/05/2018
11:40, 31/05/2018
10:18, 31/05/2018
Ngoài ra, theo các ĐB cũng có ý kiến đề nghị vẫn giữ nguyên như hiện hành, tức là không thu. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng minh được tài sản này do tham nhũng, do phạm tội mà có thì tịch thu sung quỹ nhà nước hoặc xử lý theo quy định của các luật có liên quan; đối với người kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý thì tùy theo mức độ sẽ bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật (khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm…). Ý kiến này cho rằng, nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định này, cũng đã đủ nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; nội dung các quy định phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài Nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích... Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cho biết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Ủy ban Tư pháp cho rằng dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thanh toán qua tài khoản và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để vừa nâng cao hiệu quả PCTN, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN khu vực ngoài Nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập... Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Đồng thời nhấn mạnh quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực Nhà nước. Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề lớn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài Nhà nước (Điều 100 và Điều 103); cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32); đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37); xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (Điều 49). |
…