Bộ Luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm tiền thưởng - không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác. Quy định này được áp dụng từ ngày 1/1/2021.
Quốc hội khóa XIV chính thức thông qua Bộ luật Lao động 2019, thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện nay. Rất nhiều quy định mới liên quan đến lương - thưởng của người lao động được đề cập đến trong Bộ luật này.
Bộ Luật Lao động mới đã mở rộng khái niệm tiền thưởng - không chỉ là tiền mà còn bằng các hình thức khác.
Cụ thể, điều 104 của Bộ luật quy định về thưởng thay vì tiền thưởng như Bộ Luật Lao động 2012.
Có thể bạn quan tâm
05:50, 19/12/2019
07:36, 28/01/2019
07:28, 28/12/2018
14:46, 25/12/2018
Theo đó, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động (NSDLĐ) thưởng cho người lao động (NLĐ) căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ.
Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở.
Bộ luật mới vẫn giữ nguyên tinh thần của Bộ Luật Lao động hiện hành, tức là không yêu cầu NSDLĐ bắt buộc phải thưởng Tết, thưởng vào các ngày lễ khác… cho NLĐ.
Tuy nhiên, Bộ luật này đã cho phép NSDLĐ có thể thưởng cho NLĐ không chỉ bằng tiền, mà có thể bằng hiện vật như chính hàng hóa, dịch vụ của công ty; hoặc thưởng bằng các hình thức khác như phiếu mua hàng giảm giá, chuyến du lịch…
Hình minh họa. Nguồn: Internet.
Quy định này đã khiến nhiều người lao động băn khoăn bởi việc nhận được tiền thưởng tết là vấn đề khá quan trọng đối với đại đa số người lao động.
Thực tế cho thấy, mỗi khi tết đến xuân về, người dân cả nước nói chung và những người lao động nói riêng phải lo sắm sửa, chi tiêu rất nhiều bằng tiền. Nếu được nhận thưởng tết bằng tiền, người lao động có thể chi tiêu, mua sắm, biếu xén, thậm chí gửi tiết kiệm sao cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế của mình.
Nhưng nếu nhận thưởng tết bằng hiện vật như chính hàng hoá, dịch vụ của công ty thì sao? Người lao động lấy tiền đâu để lo tết? Bán lại các sản phẩm, hàng hoá được thưởng ư? Liệu bán được bao nhiêu tiền?
Những ngày cuối năm người lao động thường về quê xum vầy với gia đình, vậy mà lại phải bất đắc dĩ trở thành người bán hàng, có khi còn bán đổ bán tháo những sản phẩm được... thưởng tết để lấy tiền về quê lo tết.
Thực tế cho thấy, chưa cần quy định này có hiệu lực, từ rất nhiều năm nay, cứ vào tháng cận kề Tết Nguyên đán, rất nhiều đơn vị đã thưởng tết cho người lao động bằng sản phẩm.
Nhưng sở dĩ doanh nghiệp buộc phải thưởng tết bằng sản phẩm cho người lao động là bởi họ không lo được tiền. Cực chẳng đã, người lao động phải nhận thưởng tế từ những viên gạch, hương nhang, quần đùi, thậm chí có đơn vị còn thưởng tết bằng... tương ớt, giấy vệ sinh.
Quy định chưa được áp dụng mà thực tế đã như vậy. Đến khi chính thức áp dụng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều đơn vị thực thi, bởi thực tế, thưởng tết bằng sản phẩm, hàng hoá cho người lao động "có lợi" hơn đối với doanh nghiệp vì doanh nghiệp "đẩy" được số lượng hàng hoá khá lớn, trong khi lại không phải chi tiền thưởng tết cho người lao động.
Do đó, nếu cứ theo quy định này, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp có thể không chi tiền thưởng tết mà "quy" hết ra sản phẩm, hàng hoá. Khi đó, người lao động sẽ xoay xở thế nào?
Có một thực tế không thể chối cãi, đó là đi làm thì ai cũng muốn được hưởng lương và đến cuối năm, hầu hết ai cũng mong muốn được nhận lương tháng thứ 13, nhận thưởng bằng tiền để chủ động mua sắm, biếu xén gia đình, họ hàng.
Nhìn một cách thực tế hơn, ngay cả những buổi tiệc cưới, tiệc sinh nhật, hay tân gia…, những “món quà” được biếu tặng chưa chắc đã “thiết thực” hơn những chiếc “bao thư”.
Bản thân người viết đã từng tân gia nhà và rất nhiều sản phẩm được "tặng" trong buổi tân gia đã phải xếp ở kho để.... đi tặng dần lại cho những buổi tân gia khác bởi không phù hợp với nhu cầu, sở thích của chủ ngôi nhà.
Với câu chuyện thưởng tết cũng vậy. Nếu không bán lại được sản phẩm, người lao động lấy tiền đâu để chi tiêu trong những ngày tết. Chẳng nhẽ lại mang quần đùi, hương nhang, tương ớt, giấy vệ sinh... đi để "mừng tuổi" trẻ con, biếu xén người thân trong dịp Tết Nguyên đán.
Những câu chuyện về thưởng tết bằng sản phẩm, hàng hoá đã diễn ra nhiều năm, và có lẽ những hiện vật "cười ra nước mắt" sẽ còn được tiếp diễn nhiều hơn khi quy định chính thức có hiệu lực từ 1/1/2021.
Thiết nghĩ, quy định là do con người soạn thảo, ban hành, không phải là một thứ gì đó bất biến không thể thay đổi, sửa chữa được. Do đó, quy định nào phù hợp với thực tế thì nên triển khai, quy định nào chưa phù hợp có thể sửa đổi, ban hành lại.
Đối với việc thưởng tết, nếu quy định được áp dụng kiểu ngoài thưởng tết bằng tiền (phần thưởng chính), doanh nghiệp sẽ thưởng thêm bằng sản phẩm, hàng hoá (phần thưởng phụ) thì có lẽ người lao động sẽ vui vẻ hơn, dễ thở hơn và bớt... trăn trở hơn.