Bàn tròn khởi nghiệp

Theo Doanhnhanplus 26/05/2019 04:55

Khi khởi nghiệp, đặc biệt là người từng thất bại trước đó vì các vấn đề liên quan đến vốn, thường có điểm chung là làm mọi cách nhằm cắt giảm chi phí và luôn ưu tiên tối đa cho những lựa chọn giá rẻ.

Khi khởi nghiệp, chúng ta không lúc nào ngừng cố gắng xây dựng những kế hoạch kinh doanh tốt nhất, cố gắng làm việc chăm chỉ hơn 80 giờ/tuần để phát triển đội ngũ nhân sự, để thúc đẩy công ty đi lên. Mỗi ngày, chúng ta phải đưa ra hàng chục quyết định lớn nhỏ, và cái nào cũng cần chính xác nhưng lại có rất ít thời gian để cân nhắc…”.

Trên đây là tâm sự chung của các giám đốc điều hành (CEO), các nhà sáng lập đến từ khắp thế giới gửi về diễn đàn Haro.com, để trả lời cho câu hỏi của Mary Juetten cùng các cộng sự, rằng “đâu là trải nghiệm khó quên nhất, những sai lầm kinh doanh khiến giới khởi nghiệp ân hận nhất”. Mary Juetten là chuyên gia tư vấn doanh nghiệp người Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm, người sáng lập và là giám đốc điều hành của Traklight.com – nền tảng cung cấp cho doanh nghiệp công cụ đánh giá rủi ro trong kinh doanh.

Tất nhiên, không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này” – Mary Juetten chia sẻ trên tờ Forbes, “nhưng từ những tâm sự và chia sẻ chân thành của những người từng thất bại hoặc từng suýt nữa thất bại, chúng ta có thể phần nào rút ra cho mình những bài học trên con đường kinh doanh nói chung và con đường khởi nghiệp nói riêng, một con đường nhiều gian nan nhưng vô cùng thú vị”.

Cẩn trọng với những thứ… rẻ

Khi khởi nghiệp, những doanh nhân, đặc biệt là người từng trải qua thất bại trước đó vì các vấn đề liên quan đến vốn, thường có điểm chung là làm mọi cách nhằm cắt giảm chi phí và luôn ưu tiên tối đa cho những lựa chọn giá rẻ.

Thế nhưng, một trong những cái bẫy ở đây là ám ảnh mang tên tiết kiệm thường khiến chúng ta vô tình cắt đi những khoản chi phí tối quan trọng, hệ quả sẽ khiến doanh nghiệp không những không thu được lợi mà còn mất rất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc để chỉnh sửa lại.

Rob Biederman, đồng sáng lập và hiện là giám đốc điều hành của HourlyNerd (công ty chuyên về kết nối doanh nghiệp trên toàn cầu, hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp tham gia, trong đó có hơn 100 doanh nghiệp nằm trong danh sách Fortune 1000 – 1.000 công ty lớn nhất nước Mỹ), đã chia sẻ bài học đau đớn của mình như vậy: “Chúng tôi bắt đầu khởi nghiệp với 5.000 USD, một số tiền không nhiều, nhưng trong lĩnh vực mà chúng tôi tham gia thì cũng là mức vốn trung bình chứ không hề ít.

Chúng tôi sau đó đã rất cẩn trọng để thắt chặt chi tiêu và vô cùng vui mừng khi thuê được một người thiết kế website với giá chỉ 899,99 USD, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của thị trường. Thế nhưng, sai lầm là chúng tôi không nhận ra rằng website chính là mấu chốt của vấn đề, là cột sống của kế hoạch khởi nghiệp, và anh chàng kỹ sư “giá rẻ” ấy đã làm cho website của chúng tôi chẳng khác nào một bãi rác.

Mọi thứ trở nên lộn xộn và chúng tôi mất hàng đống thời gian để chỉnh sửa, làm mới cũng như thao tác trên website ấy. Cuối cùng, chúng tôi phải sa thải anh ta và thuê một người khác với giá gấp ba, bởi nếu không làm thế, chúng tôi có lẽ đã phá sản”.

Đừng đánh mất sự tập trung

Có một câu chuyện khá thú vị về sự tập trung và kiểm soát suy nghĩ của bản thân, đó là khi hỏi một nhà tu hành sau đắc đạo, cuộc sống của ông thay đổi thế nào, câu trả lời là trước khi đắc đạo, lúc ông chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, gánh nước nghĩ về nấu cơm, còn lúc nấu cơm lại nghĩ về chẻ củi. Còn sau khi đắc đạo, ông chẻ củi sẽ chỉ nghĩ về chẻ củi, gánh nước chỉ nghĩ tới gánh nước, còn lúc nấu cơm chỉ nghĩ tới nấu cơm.

Và vấn đề tiếp theo mà hầu hết doanh nhân khởi nghiệp mắc phải, chính là không hiểu được giá trị của sự tập trung, nên đã quá chú tâm vào những thứ không cần thiết, những thứ thực sự họ có thể bỏ qua.

Sai lầm lớn nhất của tôi khi bắt đầu Black Streak Entertainment, đó là cố gắng trở thành siêu nhân” – Terry Raimey, Giám đốc điều hành của Black Streak Entertainment (một công ty xuất bản sách và phương tiện giải trí), nhớ lại: “Trong khi lẽ ra công việc của tôi chỉ là nên cố gắng bán thật nhiều hàng và đẩy doanh số đi lên, thì tôi sa đà vào những thứ như tiếp thị, xây dựng thương hiệu công ty, thương hiệu cá nhân, quảng cáo, tái đầu tư doanh thu, tạo dựng đội ngũ nhân sự, viết sách, nói chuyện với cộng đồng, tham gia diễn đàn khởi nghiệp…

Kết quả, đầu óc tôi lúc nào cũng lẫn lộn mọi việc, tôi quay cuồng trong công việc hơn 14 giờ mỗi ngày, lúc nào cũng bận rộn, nhưng công ty thì vẫn giậm chân tại chỗ. Cho đến khi chuẩn bị nộp đơn phá sản, tôi mới kịp nhận ra lỗi lầm”.

Quyền sở hữu trí tuệ

Thế giới mỗi ngày có thêm hàng ngàn ý tưởng táo bạo, đột phá, thêm hàng trăm sản phẩm sáng tạo, cải tiến, vì thế, chuyện trùng lắp tên hay kết cấu sản phẩm là điều không hiếm. Bởi thế, theo Jay Litkey, người sáng lập của Embotics (công ty chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ thông tin, từng được quỹ đầu tư Arrowroot đầu tư 12,1 triệu USD), thì tài sản vô hình ngày nay đôi khi còn có giá trị và quan trọng hơn tài sản hữu hình rất nhiều.

Đối với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, việc nộp bằng sở hữu trí tuệ ngay khi thành lập, khi vừa tạo ra sản phẩm mà chưa biết tương lai sẽ thành công hay thất bại, có thể là điều bị nhiều người cho là vô ích, lo xa.

Nhưng tôi cho rằng, trong thế giới cạnh tranh khốc liệt ngày nay, bất cứ thứ gì tạo cho bạn sự khác biệt thì bạn phải trân trọng và bảo quản nó thật tốt. Tôi và các cộng sự của mình từng đầu tư hàng năm trời, với vô số tiền bạc và công sức để nghiên cứu, xây dựng, phát triển những phần mềm, những ứng dụng hữu ích. Nhưng chỉ vì sơ sót trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ, mà chúng tôi bị đối thủ, thậm chí là đối tác sao chép, bắt chước, ăn trộm, rồi kiện ngược buộc chúng tôi phải bồi thường. Do đó, hãy trân trọng và bảo vệ thật tốt mọi thứ bạn làm ra, càng sớm càng tốt” – Jay Litkey kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bàn tròn khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO